Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/10 thảo luận về kinh tế xã hội 2023-2024 và 5 năm (2021-2025). Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quá chú trọng tới kiểm soát lạm phát, là nguyên nhân khiến lãi suất cao. Việc chậm điều chỉnh tăng trưởng tín dụng vào cuối năm 2022 và đầu năm nay là một trong những bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ.
Phản biện lại ý kiến này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng nhận xét trên chỉ nhìn ở góc độ riêng lẻ, trong khi điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan này bám sát yêu cầu của Quốc hội và dựa trên tổng thể cục diện nền kinh tế. Đó là phải giảm lãi suất, đảm bảo ổn định tiền tệ, ngoại hối và hoạt động hệ thống ngân hàng.
Bà Hồng phân tích, lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên khi nhiều dự báo đưa ra cho thấy lạm phát cả năm kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội giao (dưới 4%). Nhưng tháng 10 khi sự việc rút tiền hàng loạt của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) xảy ra, Ngân hàng Nhà nước buộc phải ưu tiên việc đảm bảo an toàn, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng.
"Lúc đó, một số nhà băng bị thiếu hụt dự trữ bắt buộc, nguy cơ mất khả năng chi trả hiện hữu. Tình hình ngoại hối cũng rất căng thẳng, có thời điểm tỷ giá tăng tới 10%", Thống đốc thông tin, và thêm rằng, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện đồng thời 3 biện pháp để ổn định lại thị trường ngoại hối, gồm can thiệp ngoại tệ, tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và 10/2022 và chưa điều chỉnh tín dụng.
"Việc Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở thời điểm đó nhằm đáp ứng yêu cầu chi trả của người dân, đảm bảo thanh khoản hệ thống", bà Hồng nêu. Đầu tháng 12, khi thanh khoản hệ thống cải thiện, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, với mục tiêu tăng 14-15% năm 2023.
Tương tự, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, nhận xét "lạm phát thấp và lãi suất cao là nghịch lý, thể hiện bất cập trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ" nêu tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế mới đánh giá ở khía cạnh lãi suất và lạm phát, chứ chưa bao quát tình hình.
Theo bà, trong điều hành chính sách tiền tệ không thể chủ quan với lạm phát, và cần nhìn về xu hướng dài hạn. Chẳng hạn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều dựa vào chỉ báo lạm phát để quyết định điều chỉnh tăng lãi suất hay không.
Bà thông tin, lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại từ tháng 7, còn lạm phát cơ bản trong 9 tháng đầu năm tăng 4,49%, theo dữ liệu của cơ quan thống kê. Theo Thống đốc, đây là chỉ dấu cần lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới.
2022 chứng kiến lãi suất "nhảy múa", nhất là thời điểm nửa cuối năm khi loạt các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi dân cư, đẩy mặt bằng lãi vay lên cao. Việc tăng mạnh lãi huy động cuối năm ngoái, theo các chuyên gia, do áp lực lạm phát tăng cao và người dân muốn chuyển dịch kênh đầu tư khi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp "đóng băng". Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất điều hành (tháng 9 và 10/2022) với các tổ chức tín dụng để kìm đã tăng của lãi tiền gửi dân cư.
Cũng theo báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025), Ủy ban Kinh tế đánh giá, tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu tăng cao do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu. Năm 2023, dư nợ tín dụng đến ngày 21/9 mới tăng 5,9%, bằng một nửa cùng kỳ 2022 (10,83%).
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng tăng gần 7% tới hết tháng 9, bằng khoảng một nửa mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm (14-15%). Tuy vậy, bà Hồng kỳ vọng với nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tín dụng tăng vào cuối năm.
"Rủi ro của hệ thống ngân hàng ngày càng gắn kết chặt chẽ với rủi ro của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản. Nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng", báo cáo nêu, và đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc xử lý các ngân hàng yếu kém, vốn bị chậm thời gian qua.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, xử lý ngân hàng yếu kém là việc khó, cần thời gian. Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước đã trình xin cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xử lý các ngân hàng yếu kém.
Trước đó, theo báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Riêng với SCB - ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB, để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại nhà băng này theo quy định.
"Việc cơ cấu lại và xử lý các ngân hàng yếu kém đang trong giai đoạn hoàn tất", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thêm.