Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn với 40 câu hỏi ở nhiều vấn đề của Thống đốc Lê Minh Hưng được các đại biểu đánh giá là hấp dẫn với cách trả lời thẳng thắn, lưu loát và sinh động. Trong số đó, các câu hỏi về quá trình xử lý ngân hàng yếu kém, đặc biệt là ngân hàng 0 đồng, được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn.
Trả lời đại biểu Tô Bích Châu (TP HCM), Thống đốc khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào xử lý ngân hàng yếu kém cũng là "an toàn hệ thống, đảm bảo lợi ích người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngân hàng". Ông cho rằng, tăng cường cơ cấu lại, chất lượng hoạt động ngân hàng sẽ đảm bảo mục tiêu an toàn, ổn định hơn.
“NHNN có nhiều công cụ khác nhau để kiểm soát tình hình, đảm bảo không có hoạt động nào ngoài tầm kiểm soát", ông nhấn mạnh.
Không dùng ngân sách xử lý ngân hàng yếu kém, nợ xấu
Hơn một lần tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, sẽ không dùng nguồn ngân sách để xử lý ngân hàng yếu kém. Đáp lại ý kiến đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về xử lý ngân hàng yếu kém, ông Hưng cho biết, đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước và đã được quy định cụ thể tại Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng. NHNN đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó được ông Hưng nhấn mạnh vẫn là hoàn thiện khung khổ pháp lý.
"Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng sẽ giúp NHNN có cơ sở xử lý vấn đề này tốt hơn", ông nói. Theo ông, việc xây dựng phương án để xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém cần thời gian. Thống đốc khẳng định, điều quan trọng nhất là đã ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh rút tiền hàng loạt, lây lan sang hệ thống.
"Cơ bản hoạt động các ngân hàng 0 đồng đã ổn định, lỗ lũy kế giảm dần", ông Hưng thông tin.
Sở hữu chéo đã được nhận diện và xử lý
Trả lời về sở hữu chéo, Thống đốc cho biết sau khi đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm sở hữu chéo, yêu cầu các cổ đông vi phạm chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất mua lại cổ phần, cơ bản tình trạng này đã được giải quyết, các ngân hàng minh bạch và đại chúng hơn. Ông Hưng khẳng định tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện và xử lý.
Cụ thể, đến nay không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp năm 2012, đến nay còn 2. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012, hiện nay còn 2 . Số tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu chiếm trên 15% còn 4, trong khi năm 2012 là 19.
Mặc dù vậy, ông Hưng cũng thừa nhận sở hữu khó phát hiện, kiểm soát với trường hợp cố tình, nhờ người đứng tên hộ, đòi hỏi thanh tra kỹ lưỡng hoặc cơ quan chức năng qua điều tra mới phát hiện được.
Thống đốc cho rằng nếu Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết triệt để các tình trạng hiện nay. Trong dự thảo, NHNN đã sửa đổi một số quy định về khái niệm người có liên quan để xác định được cổ đông hưởng lợi cuối cùng. Ngoài ra, sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện với chức danh chủ tịch HĐQT, theo hướng chặt chẽ hơn, đưa vào quy định góp vốn mua cổ phần các tổ chức tín dụng.
Về nợ xấu, nhiều đại biểu nghi ngờ con số tỷ lệ thực tế có thể cao hơn mức 3% mà NHNN báo cáo. Thống đốc Lê Minh Hưng giải thích, báo cáo của NHNN nêu rõ "đây là số liệu nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng". Theo đó, tới cuối tháng 9/2017 nợ xấu ở mức 2,34%, giảm so với mức 2,46% vào cuối 2016.
Thống đốc cho biết, chỉ từ 15/8, khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, đến nay đã có 15.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý. Nhờ có Nghị quyết này mà tổng nợ xấu được dọn dẹp từ đầu năm đã lên 78.000 tỷ. “Riêng VAMC dự kiến năm nay xử lý được 20.000 tỷ đồng.
Cho vay bất động sản hơn 400.000 tỷ đồng
Trước lo ngại của đại biểu Sỹ Cương (Ninh Thuận) về tín dụng sẽ "chảy" nhiều vào thị trường bất động sản, có khả năng gây bong bóng thị trường này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện tín dụng cho vay bất động sản đạt trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
"Tốc độ tăng tín dụng thấp hơn so với năm ngoái và các loại tín dụng toàn hệ thống", ông nhấn mạnh và nhắc lại loạt công cụ chính sách mà NHNN áp dụng để kiểm soát cho vay lĩnh vực này, như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp...
Trả lời câu hỏi Đại biểu Hoàng Đức Thắng "tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 18% năm nay, hệ thống ngân hàng an toàn, vốn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh", Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, đây không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà phụ thuộc vào từng sức khoẻ ngân hàng.
Với lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản, NHNN đã có giải pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp...
Đối với lĩnh vực chứng khoán tỷ trọng hiện nay thấp, giảm mạnh so với 2016. Cụ thể tỷ trọng cho vay hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối 2016. Các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay; ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán giới hạn 5% vốn điều lệ,... "Quan diểm NHNN rõ ràng, chặt chẽ. Với các quy định này chúng tôi tin tưởng đủ chặt để kiểm soát rủi ro", ông Hưng khẳng định.
Không có cơ sở cho thấy '3 tỷ USD chuyển tiền mua nhà ở Mỹ'
Trả lời đại biểu Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về 3 tỷ USD "có đúng là chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà hay không?", Thống đốc cho rằng không có cơ sở nào cho thấy đây là con số chuyển tiền mua nhà ở Mỹ. Ông cho biết, số liệu này được các chuyên viên địa ốc của Mỹ công bố thông qua việc thực hiện phiếu điều tra nên có thể là gồm cả người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ hoặc công dân Việt Nam nhưng sinh sống ở các quốc gia khác và đến Mỹ mua nhà.
Theo ông, hiện có 43 dự án bất động sản đầu tư ra nước ngoài, trong đó 17 dự án đầu tư vào Mỹ, chiếm một phần ba vốn đầu tư ra nước ngoài.
Thống đốc cho biết NHNN đã có cơ chế kiểm soát đầy đủ chuyển tiền ra nước ngoài, xử phạt hành chính trong chính sách vi phạm chuyển tiền ra nước ngoài...
Hành vi gian lận thẻ đang gia tăng
Về gian lận trong thanh toán thẻ ATM, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hành vi này đang gia tăng đáng lo ngại tại Việt Nam và các nước. Theo thống kê của Visa, tổng hành vi gian lận trong thanh toán thẻ là hơn 21 tỷ USD, bình quân 100 USD giao dịch thẻ thì thiệt hại là 7 cent, tương đương 0,07%. Mức thiệt hại của Việt Nam chỉ bằng một phần ba mức bình quân thế giới.
"Nhưng đúng là hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng", ông nói.
Thống đốc nhận định nguyên nhân là do bảo mật của ngân hàng có lỗ hổng, người dùng không bảo mật tốt thông tin cá nhân; đơn vị chấp nhận thẻ còn lỗ hổng trong bảo mật thông tin. "Cá biệt có tổ chức chấp nhận thẻ thông đồng với kẻ xấu, thực hiện gian lận, chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ", ông cho biết. Vì thế Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp lý từ an ninh an toàn, chuyển hệ thống từ thẻ từ sang thẻ chip để bảo mật hệ thống cao hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống thẻ...