Ông Tập mặc quân phục chỉ huy lễ duyệt binh. Video: Xinhua.
Quân đội Trung Quốc hôm qua lần đầu tiên tổ chức lễ duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm 90 năm ngày thành lập với 12.000 binh sĩ và những vũ khí, khí tài hiện đại nhất trong biên chế. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng lần đầu chỉ huy duyệt binh tại thao trường Zhurihe thuộc khu tự trị Nội Mông. Giới phân tích cho rằng đây là một phần trong nỗ lực củng cố quyền lực của ông Tập trước thềm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, theo NYTimes.
Đây là lần xuất hiện hiếm hoi trong bộ quân phục dã chiến của ông Tập. Hình ảnh ông mặc bộ trang phục rằn ri của quân đội chỉ xuất hiện trong lễ tuyên bố thành lập các chiến lược khu hồi năm ngoái. Trong các cuộc duyệt binh trước đây, ông chỉ mặc trang phục dân sự màu đen.
Không giống các cuộc duyệt binh trước đây thường diễn ra ở Bắc Kinh, sự kiện này được tổ chức ở Zhurihe, trung tâm huấn luyện quân sự lớn nhất châu Á. Tại khu vực sa mạc rộng lớn này, quân đội Trung Quốc đã xây dựng các công trình kích thước lớn như thật mô phỏng nhiều mục tiêu trên thế giới. Đại tá Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang), phát ngôn viên quân đội Trung Quốc, nói rằng Zhurihe được chọn để tổ chức duyệt binh nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của các binh sĩ. "Nó không liên quan gì đến tình hình hiện nay trong khu vực", ông Nhậm nói.
Cây bút Chris Buckley cho rằng đây là một trong những dấu hiệu cho thấy ông Tập đang chứng tỏ rằng ông đang dựa vào quân đội để củng cố lòng trung thành trong bối cảnh ông đang lựa chọn thế hệ lãnh đạo mới để công bố trong đại hội 19 diễn ra vào mùa thu.
"Hỡi chiến sĩ toàn quân, các bạn không được phép dao động trong việc bảo vệ nguyên tắc đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội", ông Tập tuyên bố tại lễ duyệt binh được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc.
Lễ duyệt binh diễn ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc chứng kiến những xáo trộn lớn trong nhân sự cấp cao, khi bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), người được kỳ vọng sẽ kế nhiệm ông Tập, bất ngờ bị miễn chức và bị điều tra. Thay thế ông là Trần Mẫn Nhĩ, quan chức được thăng tiến "nhanh như tên lửa" sau thời gian làm việc cùng ông Tập ở Chiết Giang.
"Những cuộc duyệt binh như vậy có thể là sự kiện thường xuyên, nhưng lễ duyệt binh lần này có ý nghĩa đặc biệt", Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), cựu phó tổng biên tập tờ Study Times ở Bắc Kinh, bình luận. "Mục đích của lễ duyệt binh là nhằm cho thấy ông Tập đã nắm chắc quân đội trong tay và đừng ai có bất cứ ảo tưởng nào về việc thách thức quyền lực của ông".
Dàn khí tài hạng nặng Trung Quốc tham gia duyệt binh. Video: Xinhua.
Trong đại hội đảng sắp tới, ông Tập chắc chắn sẽ đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ, đồng thời lựa chọn các thành viên Quân ủy Trung ương mới để giúp ông lãnh đạo quân đội. Một số chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng ông Tập rất có thể sẽ tiếp tục nắm quyền sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ trên cương vị Tổng bí thư, người thường đảm nhiệm vị trí chủ tịch Quân ủy Trung ương, dù không còn là Chủ tịch nước theo quy định của hiến pháp. Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc không giới hạn nhiệm kỳ của tổng bí thư.
Việc điều tra Tôn Chính Tài được coi là động thái bất thường của ông Tập, bởi nó đi ngược lại với hoạch định nhân sự lãnh đạo cấp cao của những người tiền nhiệm. Sự nghiệp của Tôn coi như chấm dứt khi các lãnh đạo tỉnh Trung Quốc kêu gọi tổ chức các cuộc họp để chỉ trích ông là "hổ", ám chỉ quan chức cấp cao bị khép tội tham nhũng.
"Đến lúc này, chúng ta không thể biết chắc rằng Tôn Chính Tài là con hổ cuối cùng bị hạ bệ trước khi đại hội đảng khai mạc hay không", giáo sư Đinh Học Lương (Ding Xueliang), chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhận xét. "Chúng ta không biết, các lãnh đạo khác của Trung Quốc cũng không biết".
Với các động thái gần đây, ông Tập dường như đang tìm cách đảm bảo rằng đội ngũ kế cận ông phải là những người trẻ tuổi trung thành, sẵn sàng bảo vệ các chính sách của ông trong nhiều năm tới. Nhiều người như vậy có khả năng sẽ được bầu vào Bộ Chính trị, tổ chức quyền lực nhất Trung Quốc, khi nhiều thành viên hiện nay đã đến tuổi về hưu.
Vai trò của quân đội
Theo ông Đinh, dù không có nhiều tiếng nói trực tiếp trên chính trường, quân đội Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lực lâu dài của ông Tập.
"Tập Cận Bình dành thời gian cho quân đội nhiều hơn bất cứ lãnh đạo nào khác", giáo sư này nói. "Ông ấy biết rõ rằng nếu muốn duy trì quyền lực, muốn tập trung hóa quyền lực nhiều hơn, ông phải đảm bảo quân đội nằm trong tay mình".
Study Times, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc với độc giả chủ yếu là các quan chức cấp cao, cuối tuần trước đăng trên trang nhất bài viết về Chủ tịch Tập, nói rằng ông là "hạt giống đỏ" được tôi luyện trong môi trường lãnh đạo đặc biệt.
Bài viết nhắc lại tuổi thơ gian khó của ông Tập dù sinh ra trong một gia đình quan chức cấp cao, cũng như 7 năm lăn lộn ở vùng nông thôn của ông suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Bài viết được nhiều tờ báo chính thống Trung Quốc dẫn lại, còn tác giả được mô tả là "nhà bình luận đặc biệt", cụm từ thường dùng trong những bài báo có sự phê chuẩn từ quan chức cấp cao.
"Tôi chưa bao giờ thấy điều tương tự ở những người tiền nhiệm như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào", cựu phó tổng biên tập Study Times Đặng Duật Văn cho biết. "Họ không nhận được sự biệt đãi như vậy".
Tuy nhiên, một số học giả đã bày tỏ mối lo ngại trước quyền lực ngày càng tập trung của ông Tập, cho rằng ông đã phá vỡ nguyên tắc lãnh đạo tập thể của đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn được đề ra để ngăn chặn tình trạng lạm quyền dù có thể làm chậm quá trình ra quyết định. "Sự tập trung quyền lực quá mức này có thể gây ra rắc rối, đặc biệt là trong chính sách an ninh và đối ngoại", Susan L. Shirk, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về chính sách Trung Quốc, nhận định.
Trong khi đó, ông Tập cho rằng 5 năm tiếp theo sẽ là "thời gian gặp thử thách lớn", buộc Trung Quốc phải "sẵn sàng cho tình huống xấu nhất". "Hãy luôn phục tùng và tuân theo đảng. Lên đường chiến đấu bất cứ nơi nào đảng phân công", ông ra lệnh cho toàn thể binh sĩ đang phục vụ trong quân đội.
Trí Dũng