Các cơ quan tuyên truyền ở Trung Quốc và Triều Tiên hôm qua hoạt động hết công suất khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc chuyến thăm Trung Quốc hai ngày. Đây là chuyến đi thứ ba tới Trung Quốc của Kim chỉ trong ba tháng qua và nó diễn ra chỉ một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore, theo NYTimes.
Trước khi lên máy bay về nước chiều qua, Kim Jong-un có chuyến thị sát thực tế tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc và một chi nhánh Công ty Đầu tư Hạ tầng Bắc Kinh tại thủ đô Trung Quốc.
Đây đều là hai tổ chức nằm trong sáng kiến Vành đai, Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc, được khởi xướng nhằm lan tỏa ảnh hưởng của Bắc Kinh ra toàn cầu bằng cách cho các nước sở tại vay tiền để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về máy móc nông nghiệp, thú y và sản xuất các giống lúa lai, ngô lai. Đây đều được coi là những thứ mà Triều Tiên rất cần để thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp nước này.
Còn Công ty Đầu tư Hạ tầng Bắc Kinh là một doanh nghiệp nhà nước chuyên xây dựng đường hầm và phát triển bất động sản, gần đây đã giành được hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt ở vùng Tân Cương trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường.
Cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, cũng từng tới thăm Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc vào năm 2006. Ông cũng đã đặt chân tới hàng chục nhà máy, xí nghiệp trong tổng cộng 7 chuyến thăm tới Trung Quốc. Đây đều là những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật quản lý mới để giúp lĩnh vực nông nghiệp Trung Quốc lột xác trong vài thập kỷ qua.
Tuy nhiên, kinh nghiệm mà ông Kim Jong-il thu được từ những chuyến đi đó có vẻ như chưa đủ để thay đổi nền nông nghiệp Triều Tiên và giúp nước này thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Kim Jong-un đã áp dụng một số biện pháp cải cách, nhưng vẫn chưa đủ để đưa nông nghiệp Triều Tiên khởi sắc.
Các chuyên gia về Triều Tiên ở Trung Quốc đã dự đoán rằng Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách mở rộng sáng kiến Vành đai, Con đường tới Triều Tiên. Global Times, ấn phẩm phụ của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng Triều Tiên không chỉ là một ứng viên rất phù hợp cho sáng kiến Vành đai, Con đường, mà còn có thể hòa nhập vào sáng kiến này với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
"Hợp tác Trung Triều trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp có tiềm năng rất lớn", Li Zonglin, hiệu trưởng Trường Quản lý và Kinh tế thuộc Đại học Diên Biên, nhận xét.
Trung Quốc cũng được cho là sẽ tập trung đầu tư cho kinh tế Triều Tiên để gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia này sau khi lệnh cấm vận được Mỹ dỡ bỏ. Chủ tịch Trung Quốc khi tiếp Kim Jong-un đã khẳng định sự ủng hộ mà Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi bất chấp những chuyển biến của tình hình khu vực và quốc tế.
Thông điệp hòa giải
Những hình ảnh tuyên truyền được truyền thông Triều Tiên chia sẻ trên Twitter trong tuần này chủ yếu tập trung vào hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại Panmunjom hồi tháng 4. Chúng dường như được thiết kế để lôi kéo sự ủng hộ trong nước và kỳ vọng đối với nỗ lực ngoại giao của lãnh đạo Kim Jong-un hướng tới Hàn Quốc.
Một áp phích cho thấy Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng giơ cao tuyên bố chung Panmunjom, cùng dòng khẩu hiệu "Toàn thể dân tộc Triều Tiên cùng đoàn kết dưới lá cờ độc lập dân tộc và xây dựng một quốc gia thống nhất, thịnh vượng, hùng mạnh".
Một áp phích khác biến một phần trong tuyên bố chung thành khẩu hiệu: "Cùng chung sức nỗ lực giảm bớt căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên". Kèm với đó là hình ảnh hai xe ủi phá hủy hàng rào kẽm gai biên giới và một quả tên lửa có dòng chữ "tập trận chung để xâm lược Triều Tiên". Hai xe ủi này mang theo biểu ngữ có chữ "thống nhất độc lập" và "cùng thịnh vượng".
Các áp phích nhấn mạnh vào hòa bình và hòa giải này không còn chứa những thông điệp chống Mỹ quyết liệt thường thấy ở Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên có gỡ bỏ hoàn toàn những khẩu hiệu chống Mỹ trước đây và thay thế chúng bằng những thông điệp mềm mỏng hơn với Washington hay không.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc chào mừng chuyến thăm bất ngờ của Kim Jong-un tới Bắc Kinh, cho rằng Trung – Triều đã khắc phục được rạn nứt trong quan hệ vì lợi ích của thế giới.
Global Times thì bác bỏ quan điểm cho rằng Kim Jong-un đang lợi dụng tranh chấp thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ để thu về lợi ích cho Triều Tiên thông qua chuyến đi tới Bắc Kinh.
"Chuyến thăm Trung Quốc của Kim Jong-un diễn ra một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore", tờ báo viết. "Trong khi đó, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung bây giờ mới trở nên quyết liệt".
Global Times cũng cảnh báo rằng việc "sử dụng mọi thứ như ‘lá bài’ để tranh đoạt là rất tội lỗi" và Triều Tiên, Trung Quốc có "quyền phát triển quan hệ hữu nghị" với tư cách là hai quốc gia có chủ quyền.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc đang áp đặt quá nhiều ảnh hưởng lên tiến trình có thể dẫn tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Bài xã luận đăng trên tờ báo bảo thủ này khẳng định việc Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung gần đây là một thắng lợi với Trung Quốc, nước từ lâu đã kêu gọi áp dụng biện pháp "ngừng đổi ngừng" trong vấn đề Triều Tiên.
"Tiến trình phi hạt nhân hóa dường như đang đi theo lộ trình do Trung Quốc vạch ra", JoongAng Ilbo viết. "Để không làm suy giảm quyết tâm phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un, Trung Quốc nhất thiết không được nới lỏng các lệnh trừng phạt".