Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 10/6 có bài phát biểu tâm điểm trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 2022 tại Singapore. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 Nhật Bản có lãnh đạo chính phủ tham dự diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực này.
Trong diễn văn 45 phút, ông Kishia vạch ra chiến lược về vai trò của Nhật Bản trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông gọi chiến lược này là "Tầm nhìn Kishida về Hòa bình", với hai mục tiêu tăng cường sức mạnh ngoại giao lẫn an ninh cho đất nước.
Trong tầm nhìn mới về an ninh của Thủ tướng Kishida, Nhật Bản sẽ duy trì chương trình hỗ trợ tàu tuần tra cho các nước đối tác, nâng cao năng lực chấp pháp trên biển cùng các năng lực an ninh phi truyền thống như không gian mạng, kỹ thuật số, công nghệ xanh và kinh tế.
Tokyo sẽ cân nhắc hỗ trợ trang thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ cho những đối tác trong khu vực Đông Nam Á, điển hình là thỏa thuận về trao đổi quốc phòng với Singapore. Thỏa thuận được ký hôm nay, xác định các lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước như hỗ trợ hậu cần, trao đổi công nghệ quốc phòng, liên lạc chiến lược và an ninh hàng hải.
Thủ tướng Kishida nhấn mạnh quyết tâm cải thiện vị thế quân sự cho Nhật Bản, tăng cường hợp tác cùng đồng minh trong bối cảnh an ninh "ngày một nghiêm trọng tại châu Á".
Theo giới quan sát, Thủ tướng Nhật Bản không công kích trực diện Bắc Kinh trong bài phát biểu. Trả lời câu hỏi từ phái đoàn Trung Quốc về quan hệ song phương, ông Kishida khẳng định Tokyo vẫn "đấu tranh trên những phương diện cần đấu tranh" và đề nghị Bắc Kinh "hành động có trách nhiệm", nhưng cả hai nước cần nỗ lực tạo mối quan hệ ổn định và có tính xây dựng.
Tuy nhiên, những nội dung ám chỉ Trung Quốc gây lo ngại an ninh trong khu vực vẫn giữ vị trí nổi bật trong bài phát biểu của ông Kishida, trong đó có vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông, hay tình trạng leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan.
Thủ tướng Nhật Bản mô tả khu vực biển Hoa Đông vẫn xuất hiện "các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và vi phạm luật pháp quốc tế". Ông đồng thời bày tỏ lo ngại tình trạng luật lệ quốc tế không được tôn trọng ở Biển Đông, vùng biển giữ vai trò then chốt trong an ninh năng lượng và lợi ích hàng hải của Nhật Bản.
"Luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà mọi bên liên quan đã thống nhất sau nhiều năm đối thoại và cùng nỗ lực, cũng như phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, đều không được tuân thủ", Thủ tướng Kishida nói, dù không nhắc đến Trung Quốc.
Nhiều nước trong khu vực và giới chuyên gia quốc tế nhiều năm qua liên tục lên án Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực. Trung Quốc cũng tuyên bố không chấp hành phán quyết này.
Trung Quốc đồng thời tiến hành nhiều hoạt động trái ngược với UNCLOS trên Biển Đông, bồi đắp và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo, tăng cường hiện diện tàu chấp pháp, tàu quân sự để áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý của mình.
"Chúng ta cần tôn trọng luật lệ. Một nước không được quyền hành xử như thể luật lệ không tồn tại và cũng không được phép đơn phương thay đổi luật lệ. Một quốc gia muốn thay đổi luật lệ cần có sự đồng thuận của những nước khác", Thủ tướng Kishida nhấn mạnh.
Lãnh đạo Nhật Bản chia sẻ tầm nhìn của Tokyo về xây dựng trật tự quốc tế ổn định thông qua đối thoại thay vì đối đầu. Tuy nhiên, ông cảnh báo khu vực cần chuẩn bị cho tình huống một nước xâm phạm "hòa bình và an ninh của những nước khác bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực bất chấp luật lệ".
Ông Kishida nhận định môi trường an ninh tại châu Á ngày một đáng lo ngại, vì vậy Nhật Bản cần hành động "cùng những đối tác chung chí hướng" để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Theo Stephen Nagy, phó giáo sư Đại học Công giáo Quốc tế ở Tokyo, trong bài phát biểu của mình, ông Kishida muốn nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chịu thách thức từ các "cường quốc xét lại" muốn thay đổi trật tự dựa trên luật lệ được định hình bấy lâu. Những hoạt động gây tranh cãi trên thực địa lẫn trên phương diện pháp lý ở Biển Đông, Hoa Đông cũng như các hành vi đe dọa hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan được ông Kishida nêu làm ví dụ cho thách thức này.
"Quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được các đồng minh và đối tác ở khu vực ủng hộ rộng rãi. Các nước Đông Nam Á lẫn Nam Á, cùng Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hàn Quốc đều có cách nhìn tương tự về tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật lệ và sử dụng luật pháp quốc tế làm công cụ giải quyết tranh chấp quốc tế", Nagy nhận định.
Theo chuyên gia này, Đối thoại Shangri-La mở ra cơ hội để Thủ tướng Kishida tái khẳng định những nguyên tắc quan trọng giúp khu vực đoàn kết, trong đó có quản trị hợp lý, minh bạch và trật tự dựa trên luật lệ.
"Đó cũng là những nguyên tắc then chốt cho hòa bình và ổn định của Nhật Bản trong phần lớn giai đoạn hậu Thế chiến II, đồng thời liên kết mật thiết với nỗ lực đưa Nhật Bản trở lại vị thế một thành viên quan trọng và đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế", phó giáo sư Nagy nhấn mạnh.
Thanh Danh (Theo SCMP, USNI, Japan Times)