Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng Thông điệp Liên bang hôm nay của mình để cùng lúc phát đi hai thông điệp mâu thuẫn nhau, một để ca ngợi thành tựu sau một năm ông và đảng Cộng hòa chiến đấu với đảng Dân chủ và một nhằm kêu gọi đảng Dân chủ phối hợp cùng ông trong chương trình nghị sự sắp tới, theo USA Today.
Trump ca ngợi những gì chính quyền của mình đã làm được trong năm đầu tiên và đề xuất những sáng kiến đầy tham vọng cho năm tới. Ông ca ngợi những công dân Mỹ bình thường đã làm được những điều phi thường và kêu gọi tinh thần đoàn kết quốc gia mới.
Nói cách khác, Trump, Tổng thống khác thường nhất của nước Mỹ thời hiện đại, nắm quyền trong thời kỳ đầy hỗn loạn và chia rẽ, lại đưa ra Thông điệp Liên bang rất bình thường, với những chính sách có thể được đề xuất bởi bất cứ tổng thống tiền nhiệm nào.
Theo bình luận viên Susan Page, điều đặc biệt nhất trong Thông điệp Liên bang đầu tiên của Trump là nó không chứa đựng điều gì đặc biệt. Những gì ông nhắc đến không mới, trong khi thách thức lớn nhất mà ông phải đối mặt trong thời gian tới thì lại không được đề cập đến.
Trước khi Trump đọc thông điệp thường niên này, nhiều người kỳ vọng ông sẽ nhắc tới cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ, vấn đề được dự đoán là có thể quyết định đến tương lai của Trump hơn bất cứ đề xuất lập pháp nào.
Nhiều cử tri muốn Trump làm rõ chiến dịch của ông có thông đồng với Nga để giúp ông đắc cử hay không và Trump trên cương vị Tổng thống có tìm cách cản trở cuộc điều tra hay không, đặc biệt là trong bối cảnh Trump có thể sẽ bị công tố viên đặc biệt Robert Mueller thẩm vấn trong thời gian tới.
Nhưng vấn đề này không được Trump nhắc tới trước toàn thể lưỡng viện, dù bài phát biểu của ông kéo dài tới 80 phút. Những gì ông nói tới trong thông điệp lần này chứa đầy sự lạc quan, trái ngược với thứ mà ông gọi là "sự tàn sát nước Mỹ" trong bài diễn văn nhậm chức một năm trước.
"Đây là thời khắc Mỹ mới của chúng ta", Trump tuyên bố. "Chưa từng có thời kỳ nào tốt đẹp hơn để bắt đầu sống với giấc mơ Mỹ".
Dù đề cập đến những điều mới mẻ này, ngôn ngữ mà Trump dùng trong Thông điệp Liên bang đều từng được những người tiền nhiệm sử dụng. 5 tổng thống Mỹ gần đây, từ Ronald Reagan tới Barack Obama, đều tuyên bố nước Mỹ đang "hùng mạnh" và Trump cũng vậy. "Nước Mỹ hùng mạnh bởi người dân chúng ta hùng mạnh", ông nói.
Trump nhận công lao đối với nền kinh tế tốt lên của Mỹ, cho rằng chính quyền của ông đã cắt giảm nhiều quy định, "chấm dứt cuộc chiến năng lượng" và "sang trang mới sau nhiều thập kỷ thương mại bất công". Ông khẳng định luật cắt giảm thuế, đạo luật lớn duy nhất được thông qua sau một năm cầm quyền của Trump, đã "giảm gánh nặng to lớn cho tầng lớp trung lưu và doanh nghiệp nhỏ".
Mỗi lần Trump nêu ra một thành tựu mà chính quyền của ông đạt được trong năm qua, các nghị sĩ đảng Cộng hòa lại đồng loạt đứng lên, vỗ tay không ngớt, trong khi các thành viên đảng Dân chủ ở cánh trái ngồi yên trên ghế, nhiều người chỉ chăm chú vào màn hình điện thoại. Sau khi đưa ra đề xuất cho người lao động nghỉ phép hưởng lương vì việc gia đình như sinh con, chăm sóc người thân bị ốm, Trump quay về phía các nghị sĩ Dân chủ, đặt tay lên tai như muốn hỏi "tiếng vỗ tay đâu rồi?"
Không thu hẹp được bất đồng
Nhà Trắng từng tuyên bố Thông điệp Liên bang của Trump sẽ phát đi tín hiệu kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng, nhưng giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ chưa đạt được mục tiêu này trong bài phát biểu của mình.
Một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong quốc hội Mỹ hiện nay là chính sách nhập cư. Để thu hẹp bất đồng, Trump đưa ra kế hoạch nhập cư mà ông gọi là "sự thỏa hiệp công bằng" gồm 4 điểm lớn, trong đó đề xuất lộ trình 12 năm để 1,8 triệu Dreamer, những người được đưa đến Mỹ trái phép từ khi còn nhỏ, được nhập quốc tịch.
Tuy nhiên, chính đề xuất này lại vấp phải phản ứng quyết liệt từ cả hai phía. Những người theo đường lối cứng rắn trong đảng Cộng hòa thì coi việc nhập tịch cho các Dreamer là sự "ân xá" không thể chấp nhận được, trong khi nhiều thành viên đảng Dân chủ la ó khi Trump tuyên bố sẽ thiết lập trần mới cho hiện tượng "di cư dây chuyền" (chain migration), trong đó cho phép người nhập cư hợp pháp bảo lãnh cho người thân trong gia đình đến Mỹ.
Trump cũng tìm cách "lấy lòng" đảng Dân chủ khi kêu gọi các nghị sĩ đảng này ủng hộ kế hoạch cơ sở hạ tầng 1,5 nghìn tỷ USD của ông, với nhiều thay đổi trong quy định về môi trường và các chế tài khác để tạo thuận lợi cho quá trình cấp phép xây đường, cầu và các dự án thoát nước. "Mỹ là quốc gia của những người xây dựng. Chúng ta xây tháp Empire State chỉ trong một năm. Việc phải mất 10 năm để xin cấp phép làm một con đường đơn giản chẳng phải là một nỗi sỉ nhục sao?", ông nói.
Nhưng thông điệp kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng của ông chỉ dừng lại ở đó. Đoạn được vỗ tay nồng nhiệt nhất là lúc ông tuyên bố đạo luật ObamaCare bị bãi bỏ, khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa đứng hết dậy hoan hô, trong khi các thành viên đảng Dân chủ ngồi im với khuôn mặt sắt đá.
Bình luận viên Page cho rằng Thông điệp Liên bang mà ông Trump vừa đưa ra không giúp ông chiếm được thêm cảm tình của phe Dân chủ. Các nghị sĩ đảng này không cảm nhận được những động lực mới để có thể dễ dàng nhất trí với các đề xuất của Tổng thống trong thời gian tới, nhất là khi cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11.
Trước Trump, chưa có một tổng thống Mỹ thời hiện đại nào có tỷ lệ ủng hộ của dư luận thấp như vậy, trong khi sự chia rẽ của nước Mỹ lại lên cao đến thế. Kể từ tháng 3 năm ngoái, tỷ lệ ủng hộ của Trump thường xuyên đứng ở mức dưới 45%, theo số liệu của RealClearPolitics.
Giới quan sát cho rằng nhiều tổng thống Mỹ nhận được sự ủng hộ tăng bất ngờ của dư luận sau diễn văn Thông điệp Liên bang đầu tiên, nhưng điều này nhiều khả năng sẽ không xảy ra với Trump, khi bài phát biểu của ông vẫn còn đầy rẫy những mâu thuẫn và chia rẽ.
"Sau một năm dài chia rẽ, nhiều người Mỹ mong chờ Tổng thống đưa ra tầm nhìn đoàn kết cho đất nước. Thật không may, bài phát biểu của ông ấy tối nay chất chứa lửa chia rẽ thay vì giúp chúng ta xích lại gần nhau", thượng nghị sĩ Chuck Schumer bình luận về Thông điệp Liên bang của Tổng thống Mỹ thứ 45.
Trí Dũng