Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngày 30/5 tới Singapore để dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á 2019, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La (SLD) 2019, diễn ra từ 31/5 đến 2/6.
SLD, một diễn đàn an ninh liên chính phủ được tổ chức hàng năm bởi Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Anh, là nơi quy tụ các bộ trưởng quốc phòng và quan chức quân sự cấp cao từ nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương cũng như các học giả và giới truyền thông để trao đổi về những vấn đề an ninh cấp bách trong khu vực hay củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa các nước. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Đối thoại Shangri-La trong 8 năm qua, thể hiện sự thay đổi về quan điểm của Bắc Kinh đối với vai trò, tầm quan trọng của diễn đàn này.
Mức độ quan tâm của Trung Quốc với các diễn đàn do phương Tây hoặc Mỹ dẫn dắt thường biểu hiện qua chức vụ, kinh nghiệm và tầm quan trọng của trưởng đoàn đại biểu nước này tham dự sự kiện.
Năm 2011, Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng khi đó là Lương Quang Liệt đến dự Đối thoại Shangri-La, nơi nhiều quan chức quốc phòng các nước mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng suốt 8 năm sau đó, Bắc Kinh chỉ cử phái đoàn cấp thấp hơn dự diễn đàn an ninh thường niên này.
Theo giới quan sát, Trung Quốc hạ mức độ nhiệt tình đối với SLD có lẽ vì muốn tập trung ủng hộ các diễn đàn an ninh có lợi hơn cho mình, chẳng hạn như Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức hàng năm tại Bắc Kinh.
Có hai lý do về việc Bắc Kinh đột nhiên thay đổi lập trường, nâng cấp sự hiện diện tại SLD năm nay. Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á là cơ hội để ông Ngụy "khoe" những đóng góp của Trung Quốc cho an ninh khu vực và cả thành tựu của sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây cũng là dịp để ông trả lời các câu hỏi về cách Trung Quốc định hình vai trò của nước này ở châu Á trong tương lai.
Sau khi ưu tiên các sự kiện an ninh khác ở châu Á trong những năm qua, Trung Quốc có thể đang điều chỉnh chính sách vì không muốn bị gạt khỏi một cuộc đối thoại gây chú ý như SLD. Bên cạnh đó, Bắc Kinh dường như cũng muốn khai thác sự khó đoán trong chính sách của Mỹ ở châu Á dưới thời chính quyền Trump để giành lợi thế.
Chính quyền Mỹ đã liên tục thay thế các quan chức hàng đầu trong vấn đề quốc phòng và an ninh, khiến Washington gặp khó khăn hơn trong việc truyền đạt một thông điệp nhất quán về các cam kết an ninh với châu Á.
Việc chính quyền Trump dần rút khỏi các diễn đàn đa phương quốc tế cũng mang đến cho Trung Quốc cơ hội tái khẳng định vai trò của mình. Theo học giả cấp cao William Choong ở IISS, SLD 2019 có thể sẽ chứng kiến sự xung đột giữa tầm nhìn an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ và Nhật Bản dẫn dắt với khẩu hiệu "một châu Á vì người châu Á" do Trung Quốc thúc đẩy.
Bên lề SLD 2019, ông Ngụy Phượng Hòa dự kiến gặp quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Dù nhiều người hy vọng rằng cuộc gặp này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng song phương, các bất đồng và rạn nứt giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ phô bày rõ hơn trong cuộc "đối đầu" ở Singapore.
Hồng Vân (Theo Diplomat)