Tổng thống đắc cử Donald Trump đã công bố nhiều vị trí bổ nhiệm cho chính quyền nhiệm kỳ hai, những bước đầu tiên trước khi nhậm chức và tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1 tới.
Dù vậy, những đề cử mà ông công bố vào đêm 12/11 được coi là gây sốc nhất, ngay cả với những người ủng hộ nhiệt thành cho phong trào Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA) của ông. Từ việc bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk vào Ban Hiệu suất Chính phủ tới đưa một MC truyền hình cánh hữu lên làm bộ trưởng quốc phòng, ông Trump đang cho thấy không chỉ chiều lòng hết mức những người trung thành trong thế giới MAGA, ông cũng rất nghiêm túc với các cam kết tranh cử của mình.
Siết kiểm soát nhập cư và biên giới
Ông Trump từng cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ trục xuất hàng triệu người di cư bất hợp pháp ở Mỹ và siết chặt an ninh biên giới. Một số động thái bổ nhiệm mới cho thấy đây dường như không phải lời nói suông.
Cái tên đầu tiên là Stephen Miller, cố vấn thân cận kiêm người viết diễn văn cho ông Trump kể từ năm 2015 và được Tổng thống đắc cử bổ nhiệm vào vị trí phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách về chính sách. Với vai trò này, Miller sẽ tham gia xây dựng các kế hoạch trục xuất quy mô lớn người vượt biên trái phép, cũng như cắt giảm cả số người nhập cư hợp pháp vào Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Miller từng là người góp phần xây dựng một số chính sách nhập cư nghiêm ngặt. Tham dự cuộc vận động tranh cử của ông Trump tại Madison Square Garden, New York cuối tháng trước, Miller tuyên bố "nước Mỹ chỉ dành cho người Mỹ".
Thomas Homan, quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) trong chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu, là người được chọn phụ trách kiểm soát biên giới Mỹ trong chính quyền mới.
"Tôi rất vui được thông báo rằng cựu giám đốc ICE sẽ gia nhập chính quyền Trump với vai trò phụ trách biên giới đất nước (hay Ông trùm Biên giới), gồm cả biên giới phía bắc, phía nam, cũng như toàn bộ an ninh hàng hải và hàng không", ông Trump đăng bài trên mạng xã hội Truth Social đêm 10/11.
Homan từng ủng hộ chính sách chia cắt các gia đình nhập cư không có giấy tờ bị bắt tại biên giới Mỹ - Mexico. "Tôi sẽ lãnh đạo cuộc trục xuất lớn chưa từng có ở đất nước này", Homan nói hồi tháng 7.
Nhiều người cảnh báo nỗ lực trục xuất hàng loạt của ông Trump có thể tiêu tốn của nước Mỹ khoản ngân sách tới 300 tỷ USD. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với NBC News tuần trước, Tổng thống đắc cử tuyên bố không quan tâm tới điều này.
"Những kẻ giết người hay trùm ma túy sẽ phải trở lại chính đất nước của họ, bởi họ không được phép ở lại đây. Chi phí không phải là vấn đề", ông nói.
Phóng viên Kaitlan Collins của CNN ngày 12/11 đưa tin Thống đốc Nam Dakota Kristi Noem, người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump từ nhiệm kỳ đầu, sẽ là lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa. Bà Noem được biết đến là thành viên hàng đầu của phong trào MAGA và là ngôi sao của truyền thông bảo thủ.
Nếu được bổ nhiệm vai trò này, bà sẽ cùng Miller và Homan tạo thành bộ ba quan chức thực thi chính sách biên giới quyết liệt nhất trong chính quyền mới của ông Trump, theo giới quan sát.
Cam kết cứng rắn với Trung Quốc
Nhiều người bảo thủ tin rằng Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, cả về kinh tế và quân sự. Dù hạn chế chỉ trích công khai Trung Quốc về thương mại, ông Trump đang dần lấp đầy đội ngũ chính sách đối ngoại của mình bằng những người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.
Tổng thống đắc cử đã chọn nghị sĩ bang Florida Mike Waltz, đại tá quân đội về hưu, làm cố vấn an ninh quốc gia, vị trí chính sách đối ngoại quan trọng trong Nhà Trắng. Ông Waltz từng nói Mỹ đang trong "Chiến tranh Lạnh" với Trung Quốc, cũng như là một trong số những thành viên đầu tiên của quốc hội kêu gọi Mỹ tẩy chay thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022.
Dù ông Trump chưa chính thức công bố vị trí ngoại trưởng, thượng nghị sĩ Marco Rubio vốn có lập trường cứng rắn với Trung Quốc được cho là lựa chọn hàng đầu. Năm 2020, ông Rubio từng bị Trung Quốc liệt vào danh sách trừng phạt sau khi thúc đẩy các biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Hong Kong.
Truyền thông Trung Quốc thậm chí mô tả Rubio là "người tiên phong" trong nỗ lực chống lại quốc gia này.
"Việc lựa chọn Waltz và Rubio cho thấy chính quyền mới của ông Trump có thể tăng cường chính sách quyết liệt với Bắc Kinh và củng cố công cụ để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Nishank Motwani, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Xã hội châu Á ở Mỹ, nói.
Nghị sĩ Elise Stefanik, người được ông Trump chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, hồi tháng 10 từng cáo buộc Trung Quốc "can thiệp bầu cử một cách trắng trợn" sau khi có những thông tin rằng tin tặc "được Trung Quốc hậu thuẫn" đã tìm cách thu thập thông tin từ điện thoại của cựu tổng thống. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này.
Nếu được bổ nhiệm chính thức, Stefanik sẽ phải đối đầu với một cơ quan mà Trung Quốc, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã nhanh chóng gây dựng ảnh hưởng trong các vấn đề toàn cầu quan trọng.
Stefanik đã nhiều lần chỉ trích Liên Hợp Quốc về những nghị quyết liên quan tới Israel, cáo buộc cơ quan này thúc đẩy "bài Do Thái". Những bình luận của bà sẽ vấp phản đối từ phái đoàn Trung Quốc tại LHQ, vốn cáo buộc Mỹ sử dụng ảnh hưởng để bảo vệ Israel tại tổ chức quốc tế này.
Quan hệ Mỹ - Trung đã có nhiều căng thẳng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi hai nước đối đầu trong cuộc chiến thuế quan và những tranh cãi về đại dịch Covid-19. Giới quan sát nhận định chính quyền tiếp theo của ông Trump sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, vốn được áp dụng từ nhiệm kỳ đầu.
Và các vị trí bổ nhiệm mới có thể báo hiệu cách tiếp cận chính sách phối hợp hơn để kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh.
"Đây là dấu hiệu mới và rõ ràng nhất mà chúng tôi có đến nay về định hướng chính sách đối ngoại của ông Trump. Điều đó có thể là cách tiếp cận cứng rắn và mang tính lưỡng đảng hơn so với chính sách tập trung vào các thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình", Rush Doshi, cựu quan chức an ninh quốc gia của chính quyền ông Biden và hiện làm việc tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đối ngoại ở Mỹ, nói.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ không hài lòng trước xu hướng cứng rắn với Trung Quốc trong các vị trí cấp cao mà ông Trump đề cử cho chính quyền mới, song họ có thể lựa chọn làm việc với các quan chức khác để làm giảm bớt lập trường quyết liệt trong nội các của Tổng thống đắc cử.
"Người Trung Quốc có xu hướng dựa vào các cá nhân thân cận ông Trump và có quan hệ kinh tế với Bắc Kinh để truyền tải thông điệp và thúc đẩy ngoại giao sân sau", Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, nói.
Bà lưu ý những người như tỷ phú Elon Musk và giám đốc điều hành Blackstone Stephen Schwarzman, những người có lợi ích kinh doanh lớn ở Trung Quốc và ảnh hưởng mạnh trong thế giới MAGA, có thể được xem là những người môi giới tiềm năng để hạ nhiệt quan hệ Trung - Mỹ.
Nội các "bóng đêm"
Tổng thống đắc cử Trump ngày 12/11 thông báo bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk và cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy làm lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ, cơ quan cắt giảm chi tiêu lãng phí và giám sát hiệu quả hoạt động của chính phủ. Ông Trump cho biết ban này không thuộc chính phủ, chịu trách nhiệm tham vấn cho những người ở Nhà Trắng về việc cải tổ các cơ quan liên bang.
Elon Musk, người giàu nhất thế giới, được cho đang cố vấn cho ông Trump về các ứng viên vào nội các, cũng như tham gia cuộc điện đàm giữa tổng thống đắc cử và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước.
Tỷ phú Mỹ cũng thường xuyên đưa ra quan điểm chính trị trên nền tảng X mà ông sở hữu, gồm cả việc ủng hộ thượng nghị sĩ Florida Rick Scott trở thành lãnh đạo phe đa số Thượng viện mới.
Robert F Kennedy Jr., cựu đảng viên Dân chủ từng là đối thủ tranh cử tổng thống với ông Trump trước khi rút lui và ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa, được cho là sẽ đảm nhận vai trò trong nỗ lực đưa nước Mỹ hưng thịnh trở lại, nhưng không phải là một phần chính thức của chính phủ.
"Ông ấy muốn làm một số việc và chúng tôi sẽ để ông ấy làm điều đó", ông Trump từng nói trong bài phát biểu chiến thắng đêm bầu cử.
Các tổ chức như Ban Hiệu suất Chính phủ sẽ hoạt động trong một thời gian nhất định trước khi giải tán và lãnh đạo không cần được Thượng viện phê chuẩn, do họ không phải là công chức.
Musk và Kennedy Jr có thể không có vai trò chính thức trong chính quyền mới, nhưng tác động của họ được cho sẽ rất đáng kể, theo giới quan sát.
"Những lựa chọn đã được công bố hoặc dự báo trong chính quyền mới của ông Trump đến nay đều có một điểm chung: Họ đều là các thành viên MAGA cực kỳ trung thành với Tổng thống đắc cử, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất", Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN, nhận xét.
Thùy Lâm (Theo CNN, BBC, Washington Post)