Tàu khu trục Mỹ John S. McCain hôm 5/2 di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đánh dấu hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đầu tiên của Mỹ tại Biển Đông dưới thời Biden nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Sau khi dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Donald Trump, người tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden, đã có lập trường đối đầu ngày càng mạnh mẽ với Trung Quốc vào cuối nhiệm kỳ, trên nhiều mặt trận bao gồm thương mại, công nghệ, nhân quyền, vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông. Hồi tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Chính quyền Trump đã tăng cường FONOP tại Biển Đông để thách thức yêu sách của Trung Quốc. Trong năm 2019, hải quân Mỹ đã thực hiện 10 chiến dịch tuần tra kiểu này, gấp đôi số lần chính quyền Obama thực hiện trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Năm 2020, Mỹ triển khai 8 chiến dịch FONOP ở Biển Đông. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái, tàu khu trục John S. McCain đã thực hiện 4 lượt FONOP ở Biển Đông, hai trong số đó ở khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa.
Trước khi Biden nhậm chức vào tháng trước, nhiều người cho rằng ông có thể có giọng điệu hòa giải hơn đối với Bắc Kinh và đánh đổi lập trường cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và các nơi khác để đổi lấy sự hợp tác về biến đổi khí hậu và các vấn đề quản trị toàn cầu khác của Bắc Kinh. Cũng có lo ngại rằng chính quyền Biden sẽ bị phân tâm bởi các vấn đề cấp bách trong nước như đối phó Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, việc tàu John S. McCain thực hiện chiến dịch tuần tra ngày 5/2 cho thấy chính sách Biển Đông của tân Tổng thống Mỹ có khả năng cứng rắn như người tiền nhiệm.
Năm 2017, hải quân Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải đầu tiên ở Biển Đông 4 tháng sau khi Trump nhậm chức. Trong khi đó, lần triển khai đầu tiên dưới thời Biden diễn ra chỉ sau gần ba tuần sau khi ông nắm quyền. Quyết định triển khai lực lượng ngay từ sớm này cùng một loạt động thái khác được cho là nhằm gửi tín hiệu đến Trung Quốc cùng các nước trong khu vực rằng đừng nhận định chính quyền Biden sẽ mềm mỏng với Bắc Kinh.
"Đội ngũ của Biden hiểu rằng bất kỳ sự giảm tần suất FONOP nào sẽ bị nhiều đồng minh và đối tác coi là dấu hiệu của sự yếu kém hoặc thờ ơ", Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với VnExpress.
Chỉ ba ngày sau khi Joe Biden nhậm chức, không quân Trung Quốc ngày 23/1 điều đội hình hùng hậu gồm 8 oanh tạc cơ H-6K cùng nhiều tiêm kích hộ tống áp sát đảo Đài Loan. Ngay sau đó, hải quân Mỹ lập tức thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào khu vực Biển Đông để "thực hiện các chiến dịch thường kỳ".
Hsiao Bi-khim, đại diện ngoại giao của Đài Loan tại Washington, được mời tham dự lễ nhậm chức ngày 20/1 của Biden. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định cam kết của Washington đối với Đài Loan là "vững chắc". Sau khi máy bay Trung Quốc tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, Washington hôm 23/1 kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với hòn đảo, thay vào đó tham gia vào đối thoại có ý nghĩa.
Một ngày trước khi tàu John S. McCain áp sát quần đảo Hoàng Sa hôm 5/2, nó cũng đi qua eo biển Đài Loan, động thái bị quân đội Trung Quốc cáo buộc "gây căng thẳng" tình hình. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố có thể sử dụng vũ lực nếu cần.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd hôm 24/1 tái khẳng định rằng Điều 5 của Hiệp ước Phòng thủ Mỹ - Nhật bao gồm cả nhóm đảo tranh chấp mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Cam kết này đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc tấn công Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ sẽ ra tay "tương trợ" Nhật Bản.
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, đánh giá "những hành động này gửi một tín hiệu rõ ràng cho Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ không bị phân tâm bởi các vấn đề cấp bách trong nước".
Giáo sư Zachary Abuza, từ Đại học Chiến tranh Mỹ, nhận định chính quyền Biden sẽ tiếp tục nhịp độ FONOP hiện tại. "Sau 4 năm chính quyền Trump gây ra những nghi ngờ về độ tin cậy và cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác, chính quyền Biden cần có lập trường cứng rắn trước các hành động quyết liệt của Trung Quốc trong khu vực", ông nói.
"Dưới thời chính quyền Biden, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các cam kết và bảo vệ lợi ích của mình", Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói. "Trung Quốc không nên đánh giá thấp chính quyền Biden, điều có thể dẫn đến tính toán sai lầm".
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự và có thể có nhiều chiến lược lắt léo ở Biển Đông, cần chờ xem liệu Biden có thành công hơn hai chính quyền trước đây trong việc xây dựng và duy trì một liên minh quốc tế nhằm gây sức ép lên Bắc Kinh và buộc nước này thay đổi định hướng hay không.
"Chỉ riêng hoạt động FONOP không giải quyết được gì. Bài kiểm tra thực sự sẽ nằm ở chiến lược lớn hơn mà chính quyền Biden phát triển cho vấn đề Biển Đông", Poling nói.
Phương Vũ