Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 tập hai chú giải mặt chữ điền là mặt vuông như chữ điền (tiếng Hán), một kiểu khuôn mặt phúc hậu theo quan điểm tướng mạo ngày xưa. Mặt chữ điền với con trai, mặt trái xoan với con gái là tiêu chuẩn đẹp của người phía bắc. Người già xứ Huế khen khuôn mặt chữ điền là hàm ý đẹp phúc hậu, nhìn mặt mà thấu cả tinh thần.
GS Lê Trí Viễn trong sách Đến với thơ hay có cùng lý giải trên, đồng thời đưa ra câu chuyên liên quan đến nguồn gốc bài thơ. Ngày ở Quy Nhơn năm 1932-1933, Hàn Mặc Tử có mối tình với một cô gái. Ông thân sinh ra cô gái là viên chức sở Điền đạc, nơi Hàn Mặc Tử làm việc.
Hàn Mặc Tử nghỉ ở sở Điền đạc, bỏ đi làm báo vài năm ở Sài Gòn, khi trở về cô gái đã về Huế ở thôn Vĩ Dạ. Ít lâu sau, nghe tin Hàn Mặc Tử mắc bệnh nan y, cô gái viết bưu thiệp hỏi thăm sức khỏe nhà thơ. Hàn Mặc Tử viết bài thơ này như một lời cảm ơn.
Nhà nghiên cứu Văn Tâm trong sách Giảng văn Văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) kể sâu hơn về mối tình này. Cô gái nói trên không đẹp nhưng có duyên, thùy mị, nết na, nhà đi chung lối với Hàn Mặc Tử khi ở Quy Nhơn. Giữa hai người có mối giao tiếp đơn giản như những người hàng xóm. Nhà thơ đã viết những vần thơ về cô gái này với tình cảm đơn phương, vô vọng bởi giữa hai người có một hố sâu ngăn cách về hoàn cảnh, địa vị.
Câu mở đầu của bài thơ là lời của cô gái, tác giả nói thay, như một lời trách nhẹ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ".
Nhà nghiên cứu Văn Tâm bình giảng: Lời thơ khơi dòng thi tứ tương tự sự biến tấu tình cảm lời thư của người thôn Vĩ, như muốn khẳng định lời thăm hỏi không phải trong mơ mà có thực. Ba câu tiếp theo, lời thư từ từ gợi những hình bóng thôn Vĩ ngày xưa, thời nhà thơ còn là cậu học trò trường Trung học Pellerin Huế.
Câu 3: Hình ảnh gió, mây, sông, trăng ở khổ thứ hai nói lên những ý nghĩa gì?