Theo ghi nhận của VnExpress, mùa thi hằng năm bao giờ cũng là thời điểm chững lại của thị trường máy tính. Cộng với các yếu tố như nắng nóng, kinh tế suy thoái, và tỷ giá USD chập chờn khiến doanh thu của lĩnh vực này giảm đáng kể.
Nhiều yếu tố khiến các cửa hàng máy tính vắng bóng khách viếng thăm |
Trong những ngày nắng nóng, tại các trung tâm bán máy tính và linh kiện lớn hằng ngày vẫn tập nập khách như siêu thị tự chọn Đăng Khoa hay cửa hàng Trần Anh trên đường Láng... số lượng khách hàng ghé thăm trở nên thưa thớt hẳn. "Mấy ngày vừa qua, người đến chỗ chúng tôi chủ yếu là đã có mục đích nhắm mua sản phẩm nào đó rồi. Còn lượng khách vãng lai, ghé thăm chỉ để xem hàng, tham khảo như mọi khi hầu như không có", ông Nguyễn Mạnh Lân, Giám đốc điều hành Đăng Khoa IT Plaza, cho biết.
"Với thời tiết như thế này, thay vì nghĩ đến máy tính, nhiều người mơ đến tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ", quản lý một cửa hàng máy tính trên phố Thái Hà nói.
Anh Nguyễn Minh Hồng, ở đường Lạc Long Quân, cũng kể gia đình anh tính chuyện sắm điều hòa để đối phó thời tiết trước. Việc mua máy tính sẽ chờ vào kết quả thi tốt nghiệp lớp 12 của cậu con trai sẽ tính sau.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến việc cơ quan công sở nhà nhà nước phải cắt giảm chi tiêu hành chính, số lượng các công ty và văn phòng mở thêm giảm đi. Song song đó, nguồn ngân sách cho việc nâng cấp thiết bị văn phòng cũng bị hạn chế hết mức có thể. Lượng hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ theo các dự án cũng vì thế trở nên èo uột hơn.
Trong bối cảnh đó, đồng USD lại đột ngột tăng đến mức chóng mặt. Trong hai ngày 25-26/5, sức mua giảm xuống từ 30 - 35% vì thời điểm đó, giá USD tăng từ 16.500 đồng lên 17.250 đồng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Điều này khiến người tiêu dùng e ngại vì thực tế, người tiêu dùng cuối chịu thiệt thòi nhiều nhất nếu USD lên giá.
Cách đây hơn một tháng, sự "tuột dốc" của USD khiến nhiều công ty máy tính như Phúc Anh, Trần Anh chuyển sang niêm yết giá bán bằng tiền đồng, thay vì in song song cả hai loại như vẫn làm trước đây. Phương án dùng tiền đồng trong thanh toán công nợ giữa nhà phân phối và công ty bán lẻ cũng được áp dụng với nhiều liên kết doanh nghiệp, thậm chí có cả cam kết thực hiện hình thức này cho đến hết năm nay. Song, tình hình USD trồi - sụt, khó lường trước như hiện nay khiến nhiều đơn vị phân phối "đứng ngồi không yên" vì nếu ngoại tệ tăng có nghĩa là tiền Việt mất giá, đồng nghĩa với việc lợi nhuận kinh doanh của họ bị hao hụt. Lập tức, công ty Phân phối FPT thông báo bằng e-mail tới các đại lý của mình nói rõ công nợ giữa doanh nghiệp này với đối tác sẽ được theo dõi dựa trên USD. Đến hạn, vẫn thu nợ bằng tiền đồng nhưng tỷ giá sẽ tính trung bình giữa giá bán ra của ngân hàng Ngoại thương và thị trường tự do tại thời điểm thanh toán. Một số doanh nghiệp phân phối khác cũng theo dân "đàn anh", áp dụng phương cách này.
Nhà phân phối không chịu thiệt, công ty bán lẻ cũng chẳng dại gì lãnh hết phần thua. Hiện tại, một số công ty bán lẻ niêm yết giá bán tiền Việt, số khác vẫn niêm yết USD. Nhưng dù là hình thức nào thì hầu hết giá bán bị quy đổi theo tỷ giá của thị trường tự do và là mức cao nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Lân cho biết Đăng Khoa đưa ra một công thức là: tỷ giá bán ra tính cho khách hàng sẽ lấy từ tỷ giá của thị trường tự do nhân 4 cộng tỷ giá của VCB và chia cho 5. "Cách tính này vẫn dựa trên tỷ giá thị trường tự do là chủ yếu, nhưng dù sao cũng bớt được phần nào thiệt hại cho khác hàng vì kết quả cuối cao hơn của VCB nhưng chắc chắn thấp hơn thị trường tự do", ông Lân phân tích.
Giữa cảnh đìu hiu, laptop lại là mặt hàng tiêu thụ tốt nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 40%. Trong đó, sản phẩm "hot" là EeePC mà theo một số đơn vị bán lẻ mặt hàng này nhận định: "Chưa có thiết bị nào thành công như laptop mini của Asus với số lượng tiêu thụ hàng trăm chiếc ngay trong ngày đầu ra mắt. 10 ngày sau đó, vẫn giữ vị trí top trong khả năng tiêu thụ so với các mặt hàng khác".
Theo các doanh nghiệp, trên thị trường chỉ còn EeePC màu đen nên có rất nhiều đơn hàng chờ sản phẩm mới nhập về. Nhà phân phối chính thức của Asus là Vĩnh Xuân cũng hứa hẹn chỉ trong vài ngày tới sẽ có lô hàng mới cập cảng với đa dạng màu sác và các dòng thiết bị khác nhau được điều chỉnh về cấu hình.
Nguyễn Anh