Ảnh: freefoto. |
Từ vài ngày nay, trên bảng báo giá online của công ty Trần Anh chỉ xuất hiện tiền đồng. Chiều tối qua (18/3), công ty Phúc Anh cũng đã loại bỏ USD ra khỏi niêm yết giá bán của mình...
Giải thích về việc này, ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện Công ty Trần Anh, cho biết: "Làm như vậy là để khách hàng không còn phải mệt mỏi tranh luận và bực mình vì mỗi công ty lại có một kiểu quy đổi tỷ giá USD khác nhau nữa".
Hệ lụy lớn nhất của sự mất giá đồng ngoại tệ trong lĩnh vực buôn bán máy tính và hàng công nghệ là làm nảy sinh khúc mắc về tỉ giá thanh toán công nợ giữa nhà phân phối và bán lẻ. Nếu như trước đây, khi USD luôn ở mức cao so với VND và Chính phủ duy trì chính sách trượt giá thì tỉ giá thị trường tự do luôn lớn hơn Ngân hàng Ngoại thương và liên ngân hàng. Khi đó, các công ty máy tính vẫn theo thông lệ, xác định tỉ giá thanh toán là tính trung bình giữa thị trường tự do và Ngân hàng Ngoại thương, thống nhất thanh toán giao dịch bằng USD.
Nhưng với tình hình hiện nay, USD mất giá quá mạnh nên tỉ giá giữa USD và VND trên thị trường tự do lại thấp hơn cả Ngân hàng Ngoại thương và liên ngân hàng. Trong khi đó, Ngân hàng nhà nước mở rộng biên độ dao động tỉ giá nên sự chênh lệch giữa 3 mức nêu trên càng lớn, đẩy doanh nghiệp phân phối đến chỗ "thiệt thòi" vì đến kỳ hạn thanh toán, USD giảm mạnh khiến nguy cơ lỗ vốn hiển hiện ngay trước mặt.
Rất nhanh chân, một "đại gia" trong phân phối linh kiện máy tính là Công ty Phân phối FPT đã có thông báo gửi đến các đại lý của mình từ hôm 26/2 khẳng định tất cả các hóa đơn tài chính do doanh nghiệp này phát hành đều được thể hiện bằng VND. Tỉ giá áp dụng theo giá bán ra của Ngân hàng Ngoại thương tại thời điểm xuất hóa đơn. Việc thu hồi công nợ cũng sẽ tính bằng tiền đồng.
Theo gương "đàn anh", hôm qua tại Hà Nội, một nhóm gần 20 doanh nghiệp phân phối và bán lẻ PC như: Vĩnh Xuân, Lam Phương, Vĩnh Trinh, Thủy Linh, DigiWorld, TTB, Anh Ngọc, Tấn Thành, Trần Anh, Hải Anh, Gia Long, An Phát... đã cùng ngồi thảo luận và thống nhất từ nay sẽ dùng VND trong thanh toán.
Xử lý việc không ghi giá bằng VND |
Niêm yết giá hàng hoá vẫn 'lưu luyến' ngoại tệ |
Việc loại USD ra khỏi niêm yết giá bán và chỉ giao dịch với VND đáng lý phải được tất cả các doanh nghiệp thực thi từ hai năm trước đây, khi Nhà nước có quy định mọi hàng hoá phải báo giá, thanh toán bằng VND. Lý do mà hầu hết người làm kinh doanh giải thích cho việc báo giá song song hai loại tiền là người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen giao dịch tiền Việt với mặt hàng máy tính nên phải báo giá thêm cả USD để khách hàng dễ so sánh. "Cũng vì thế mà hiện tại, không phải tất cả các doanh nghiệp máy tính đều đưa ra thay đổi bảng giá, chỉ in bằng tiền Việt", Giám đốc một công ty máy tính ở Hà Nội nói.
Nhận định chung về những tác động của việc USD trượt giá, Giám đốc điều hành Đăng Khoa IT Plaza Nguyễn Mạnh Lân phân tích, VND lên giá so với USD sẽ khuyến khích nhập khẩu và người tiêu dùng được hưởng lợi. Ví dụ: trước đây, với chiếc máy tính niêm yết giá 1.000 USD sẽ phải trả 16.000.000 đồng thì nay chỉ phải trả 15.500.000 đồng. "Xu hướng là các công ty tin học sẽ niêm yết bằng VND. Nhưng hầu hết các thiết bị đều phải nhập khẩu và ghi nợ bằng USD nên về bản chất, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng ngoại tệ báo giá cho nhau và tính toán mức giá bán lẻ theo tỉ giá thống nhất rồi niêm yết bằng VND. Đây cũng là hướng của Đăng Khoa trong tương lai gần", ông Lân cho biết.
Nguyễn Hằng