Đầu tháng 5, các tỉnh Đông Nam Bộ bắt đầu hứng những trận mưa đầu mùa với cường độ lớn và ngày một tăng. Đường phố Sài Gòn, Biên Hòa ngập nửa bánh xe. Lũ quét tràn xuống khu phố ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cuốn trôi xe, đồ đạc, kéo sập nhà, làm hư hỏng đường sá; tuyến huyết mạch quốc lộ 51 nối Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều đoạn nước ngập lênh láng.
Vùng mưa sau đó lan rộng ra các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên. Mưa lượng lớn trong thời gian rất ngắn khiến nhiều thành phố ngập sâu, nước chảy như thác đổ, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Những trận mưa to, kéo dài làm sập bờ taluy ở TP Đà Lạt, nhiều nhà, biệt thự hư hỏng, hai người tử vong.
Sang tháng 7, dù cách vùng tác động của hai cơn bão Talim và Doksuri hơn nghìn km, các tỉnh phía Nam vẫn xảy ra mưa to kéo dài, giông lốc, sạt lở đất khiến nhiều nơi bị chia cắt, làm nhiều cây bị ngã đổ, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, 7 người tử vong, mất tích.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, khí hậu Nam Bộ và Tây Nguyên được chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa mưa nơi đây bắt đầu từ giữa tháng 5, kết thúc vào tháng 11, trong đó tháng 7 là cao điểm khi gió Tây Nam hoạt động mạnh. Năm nay mưa ở hai khu vực này đến sớm, bất thường.
Trong đó lượng mưa ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ tăng 50-130%, cá biệt Sóc Trăng có lượng mưa tăng đến 247%. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang ghi nhận lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất từ năm 1991 đến nay. Tương tự, một số nơi ở Tây Nguyên như Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc (Lâm Đồng) lượng mưa trong tháng cao điểm cao hơn 60-70% so với mọi năm.
Theo ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mưa lớn bất thường, kéo dài nhiều ngày là do rãnh áp thấp và dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh trên các khu vực giữa và bắc Biển Đông kết hợp gió mùa Tây Nam, ảnh hưởng gián tiếp của hai cơn bão Talim và Doksuri.
Lý giải thêm, chuyên gia thời tiết Nguyễn Thị Xuân Lan cho hay, Nam Bộ chịu ảnh hưởng bởi gió Tây Nam thổi theo hướng từ vịnh Bengal vào đất liền. Các tỉnh miền Tây là nơi đón loại gió mang nhiều độ ẩm này đầu tiên nên mưa lớn. Trong đợt mưa kỷ lục cuối tháng 7, vịnh Bengal xuất hiện bão nhiệt đới có gió thổi ngược chiều kim đồng hồ đã đẩy gió Tây Nam thổi mạnh về hướng đất liền.
Lúc này, Biển Đông xảy ra bão Doksuri, rìa tâm bão lại trở thành máy hút loại gió trên hoạt động mạnh hơn nữa, gây mưa kéo dài. Tương tự hồi giữa tháng 7, Nam Bộ và TP HCM xảy ra mưa lớn, giông lốc do ảnh hưởng gián tiếp của cơn bão Talim. "Các cơn bão xuất hiện trên Biển Đông dù không vào nước ta nhưng là yếu tố cộng hưởng với gió mùa gây mưa lớn cho các tỉnh phía Nam", bà Lan nói.
Các địa phương mưa lớn cuối tháng 7/2023 đều ở phía Nam
Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Huấn nói thông thường trong thời gian El Nino xuất hiện và tác động, Tây Nguyên sẽ thiếu hụt về lượng mưa. Tuy nhiên năm nay một số nơi xảy ra những hình thái thời tiết nguy hiểm, lập kỷ lục về lượng mưa trong thời gian ngắn. Ví dụ như khu vực đèo Bảo Lộc, thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), lượng mưa tháng trước chiếm 30% tổng lượng mưa cả năm.
Riêng tại đèo Bảo Lộc, trong tháng có rất nhiều ngày mưa vừa, mưa to. Đặc biệt đêm 29 và ngày 30/7, khu vực này xảy ra mưa hơn 200 mm suốt 24 giờ, trong đó lượng lớn nhất từ 10h-12h đạt tới 100 mm, trước thời điểm quả đồi sập xuống, vùi lấp trạm CSGT Madagui, khiến ba cảnh sát giao thông hi sinh và một người dân tử vong.
Thời tiết Nam Bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các chuyên gia cùng nhận định gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, gây mưa vừa, mưa to với lượng 30-60 mm mỗi ngày tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đến hết ngày 5/8. Dự báo tháng 8 và 9, hai khu vực này vẫn hứng chịu những trận mưa to và sẽ giảm nhanh vào ba tháng cuối năm.
Các chuyên gia khuyến cáo, các địa phương cần rà soát tất cả những khu dân cư ở các vùng trũng thấp, trường học, công sở đóng ven sông suối, sườn dốc để sớm phát hiện, cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét khi xảy ra mưa lớn. Riêng những hộ sống ở chân núi, độ dốc lớn, cần được trang bị kiến thức nhận biết dấu hiệu trượt lở lở để nhanh chóng di tản đến nơi an toàn.
Trường Hà - Đình Văn - Gia Chính