Ngày 10/7, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị TP Hà Nội cho biết, hiện xe buýt chỉ chiếm khoảng 12% nhu cầu vận tải hành khách của thủ đô.
"Cách đây 5 năm sản lượng xấp xỉ 10%, thời gian qua tăng rất chậm, trong khi đó, mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020 là thúc đẩy thị phần vận tải xe buýt lên khoảng 20%", ông Hải nói.
Theo ông Hải, Hà Nội muốn lôi kéo người dân sử dụng phương tiện công cộng để giảm ùn tắc, tuy nhiên "với sự phát triển nhanh, lực lượng hùng hậu, nhiều tiện ích, giá rẻ của taxi, xe ôm công nghệ thì việc đạt được mục tiêu nêu trên vào năm sau là thách thức rất lớn".
Ngoài ra, lâu nay xe buýt chưa hấp dẫn người dân do tốc độ trung bình xe chạy ngày càng giảm. Do áp lực giao thông tăng cao nên năm 2010, tốc độ trung bình xe buýt Hà Nội khoảng 23 km/h, đến năm 2019 chỉ còn dưới 20 km/h và mỗi năm có khoảng 180.000 lượt bỏ chuyến, quay đầu, huỷ cung cấp dịch vụ.
Vấn đề khác được ông Hải đề cập đến là quỹ đất dành cho xe buýt còn thiếu nên hầu hết các điểm trung chuyển, điểm đầu, điểm cuối đều nằm trên đường, xen kẽ với các phương tiện khác gây mất an toàn và xung đột giao thông.
"Hà Nội cần bố trí các làn dành riêng cho xe buýt để tách phương tiện này ra khỏi hệ thống giao thông chung, tuy nhiên việc này cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và được sự đồng thuận của người dân", ông Hải nói.
Về hoạt động của hệ thống xe buýt nhanh (BRT), ông Hải thông tin, hiện loại hình này chuyên chở khoảng 0,3% nhu cầu đi lại của người dân thủ đô, mỗi ngày có trên 14.000 lượt khách; tần suất từ 5 phút trước đây xuống còn 3 phút một chuyến và hầu hết đều kín khách.
Mỗi ngày xe buýt ở Hà Nội vận chuyển khoảng 1,2 triệu khách, chiếm hơn 12% thị phần vận tải ở thủ đô, bao phủ 100% quận huyện, 98% các bệnh viện, 100% trường học, 86% khu công nghiệp và 90% khu đô thị.
Hà Nội có gần 2.000 xe buýt, tuy nhiên phần lớn xe cũ, chỉ có gần 60 xe đạt tiêu chuẩn Châu Âu, 140 xe đạt chuẩn Euro 4. Có 12 đơn vị vận hành 123 tuyến, trong đó có 100 tuyến trợ giá.