Chiều 13/3, hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tổ chức tại 775 điểm cầu trên cả nước. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo cho biết, từ khi thành lập nước đến nay, đây là lần thứ 5 tổng điều tra dân số và nhà ở; cuộc gần đây nhất được thực hiện vào ngày 1/4/2009, cách đây 10 năm.
Việc điều tra sẽ được tiến hành trên 63 tỉnh, thành và 3 Bộ có tính đặc thù là Quốc phòng, Công an và Ngoại giao (bao gồm cả những người đang công tác ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài).
Theo Phó thủ tướng, kết quả điều tra nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam; đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011 – 2020; đồng thời là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước)...
Ông Huệ cho hay, cuộc tổng điều tra lần này khác với 10 năm trước, bởi trình độ phát triển kinh tế xã hội và công nghệ thông tin đã được nâng cao. Theo đó, lần này sẽ gia tăng quy mô sử dụng công nghệ thông tin, từ khâu thu thập phiếu điều tra, sử dụng các thiết bị đến quá trình tổng hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá, lưu trữ báo cáo sơ bộ và báo cáo tổng thể.
"Công nghệ thông tin trợ giúp đắc lực nhưng cũng có tính rủi ro cao trong quá trình tổng hợp, lưu trữ và truyền số liệu, đây là việc không thể chủ quan. Các tỉnh, thành và Ban chỉ đạo các cấp cần hết sức chú ý", ông nói.
Đánh giá đặc điểm phân bổ dân cư Việt Nam đã khác với trước đây, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị phải đảm bảo tính chính xác trong thống kê. Ví dụ hàng triệu người ở các tỉnh phía Bắc làm việc ở TP HCM và các tỉnh miền Đông, nếu không cẩn thận sẽ bỏ sót hoặc tính trùng.
"Kinh nghiệm trước đây cho thấy có lần công tác thống kê sai lệch rất nhiều nên cả Quốc hội và Chính phủ đều việt vị, ví dụ như Bộ Lao động và Ủy ban Dân tộc thống kê nhà ở cho người có công, lúc hoạch định ra một con số nhưng khi triển khai đã phát sinh hàng chục nghìn trường hợp khác", ông Huệ nói và cho rằng, số liệu mà vênh thì phân bổ ngân sách sẽ khó khăn, chỗ đáng phân bổ không có, chỗ lại phân bổ thừa.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, thống kê không chỉ ở con số, mà sản phẩm cuối cùng là các báo cáo chuyên đề kèm theo hệ thống bảng số liệu để cung cấp cho chính quyền địa phương các cấp và trung ương trong xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Điều tra được số liệu đầy đủ nhưng công tác phân tích, đánh giá và sử dụng số liệu làm không tốt thì sẽ không đạt mục tiêu đề ra.
"Chúng ta huy động lực lượng tham gia đông, kinh phí bỏ ra rất lớn với 1.100 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách khó khăn, 10 năm mới tiến hành một lần nên phải làm sao để cuộc tổng điều tra dân số chính xác, trung thực, an toàn tuyệt đối và có chất lượng cao", Phó thủ tướng nêu rõ.
Lực lượng tham gia tổng điều tra gồm khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ).
Tổng điều tra bắt đầu từ ngày 1/4 và kéo dài trong 25 ngày.
Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị về tổng điều tra dân số. Ngày 26/6/2018, Thủ tướng ra quyết định về tổ chức tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trong đó có việc thành lập Ban chỉ đạo trung ương và các cấp.
10 nội dung được tập trung đánh giá, điều tra, thống kê là: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.