Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Như vậy, 15 vấn đề Bộ Tài nguyên Môi trường dự định xin ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2013 sẽ chưa được Quốc hội xem xét.
Theo Nghị quyết số 57 năm 2018 của Quốc hội, dự án Luật này sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, Chính phủ cho biết nội dung dự thảo còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, bao gồm: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn...
"Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020", tờ trình nêu.
Cuối năm 2017, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để lấy ý kiến góp ý trong nhân dân. Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 15 vấn đề của Luật Đất đai năm 2013 gồm: bãi bỏ điều 130 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; bổ sung điều 5 cho phép người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi khoản 3 điều 114 theo hướng giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân; bổ sung điều 118 theo hướng quy định rõ những trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất; bổ sung điều 191 theo hướng mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; sửa đổi, bổ sung điều 203 theo hướng cơ quan hành chính nhà nước không tham gia việc giải quyết tranh chấp đất đai mà các trường hợp này chuyển cho Tòa án giải quyết...
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quá trình thực thi Luật đất đai 2013 cho thấy nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác và phát huy đầy đủ; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra; tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%), là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội...
Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.