Thứ tư, 4/12/2024
Thứ bảy, 10/11/2018, 00:22 (GMT+7)

Tuyến metro Sài Gòn hiện như thế nào sau 6 năm thi công

Đã xong hơn 50% khối lượng công việc, song với tình trạng luôn "đói" vốn, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được cho là khó hoàn thành vào năm 2020.

Khởi công tháng 8/2012, tuyến metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Đây là dự án được xem là hiện đại nhất thành phố với vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng.

Ban đầu công trình dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2017 nhưng do vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thiếu vốn khiến thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 tiếp tục đến năm 2020.

Hiện công trình chạy song song với Xa lộ Hà Nội (bên trái) này đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc, song tốc độ thi công rất chậm, nhiều nơi thưa thớt công nhân.

Ông Hoàng Như Cương - Phó ban quản lý đường sắt đô thị cho biết, kinh phí để thi công tuyến metro số 1 năm nay cần 5.000 tỷ đồng. Do tổng mức đầu tư của dự án chưa được điều chỉnh phê duyệt nên Trung ương không bố trí vốn. 

"Thành phố phải tạm ứng khoảng 1.000 tỷ để duy trì tiến độ. Các nhà thầu hiện đã hoàn thành khối lượng tương đương 2.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ thanh toán được 220 tỷ do những trục trặc về thủ tục pháp lý. Trong đó có việc tổng mức đầu tư chưa được Quốc hội thông qua", ông Cương nói khi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM hồi giữa tháng 10.

Dự án có 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga). Hiện, hai đường hầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son đã được "robot khổng lồ" khoan hoàn tất. Cả hai đường hầm dài 781 m, sâu dưới lòng đất hàng chục mét, các tấm vỏ hầm đã được lắp xong và đáy hầm đã đổ bêtông nhưng hệ thống đường ray, đèn chiếu sáng vẫn chưa được thi công do nhà ga Ba Son vẫn chưa hoàn thành.

Toàn tuyến có 4.536 đốt dầm (mỗi đốt dầm có hình chữ U dài khoảng 35 m, nặng khoảng 42 tấn). Các đốt dầm đã thi công hoàn tất, nhưng nhiều đoạn hiện nay vẫn còn chưa được lắp đường ray.

Việc lắp đường ray, đoạn đi trên cao, được Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM triển khai hồi tháng 10/2017. Dự kiến, mỗi 150 m đường ray được lắp đặt trong 3 ngày. Toàn bộ 17 km sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy dọc (bên phải) qua nút giao vòng xoay Cát Lái (quận 2).

Toàn tuyến có 11 nhà ga trên cao. Mỗi nhà ga dài gần 140 m, được thiết kế hai tầng, kết nối với cầu bộ hành bờ Nam và Bắc qua Xa lộ Hà Nội (ngoại trừ ga cuối Suối Tiên). Hệ thống mái vòm nhà ga được làm bằng thép, phần khung sơn màu trắng. Các nhà ga trên cao thiết kế dựa trên hệ thống thông gió tự nhiên, đảm bảo ánh sáng và có thể chống lại các tác động của thời tiết xấu.

Gói công trình này dự kiến hoàn thành trước 30/4 năm nay tuy nhiên đến giờ vẫn chưa hoàn tất.

Dự án có 5 cầu đặc biệt (cầu metro Sài Gòn, Rạch Chiếc, Văn Thánh, Điện Biên Phủ và cầu vượt đường xa Lộ Hà Nội). Trong đó, cầu metro Sài Gòn nằm cách cầu Sài Gòn khoảng 38 m, dài 267,5 m rộng 11,1 m cho hai làn tàu metro đi và về trung tâm TP. Cầu được thiết kế độ tĩnh không cao 9 m tương đương với cầu Sài Gòn, là điểm kết nối giữa hai nhà ga Thảo Điển (quận 2) và nhà ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh).

Khi hoàn thành, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông TP HCM. Ngoài ra, dự án góp phần thúc đẩy TP HCM phát triển bền vững, xứng đáng là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Điểm cuối của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên nằm cạnh Bến xe miền Đông mới ở quận 9 cũng đang "đói" vốn xây dựng.

Do vướng mắc thủ tục, TP HCM đã nhiều lần "cầu cứu" Quốc hội, Chính phủ gỡ khó để đảm bảo cho tuyến metro đầu tiên của TP HCM được cấp vốn. Để duy trì tiến độ thi công, thành phố đã 4 lần phải tạm ứng vốn để thanh toán cho các nhà thầu. Nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được khả quan.

Lãnh đạo Ban quản lý Đường sắt đô thị cho rằng, với tình hình này tuyến metro số 1 không hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2020 như dự kiến.

Ở tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng chưa thể thực hiện vì cũng gặp khó khăn tương tự, sau khi đội vốn từ 1,3 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD (47.800 tỷ đồng) và đang chờ ý kiến của Quốc hội. Nếu được thông qua, đầu năm 2019 UBND TP HCM mới phê duyệt điều chỉnh dự án.

Hệ thống trên cao của metro TP HCM đã thành hình
 
 

Tuyến metro Sài Gòn sẽ chạy như thế nào. Video: Vũ Đoan - Quỳnh Trần

Hữu Khoa