Cho ý kiến vào dự án luật Phòng, chống tác hại rượu bia sáng 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ không đồng tình việc dự luật mới nhất được chỉnh lý theo hướng không cấm bán rượu, bia trên Internet mà chỉ quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử.
Theo ông Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, việc cấm bán rượu, bia trên Internet là một trong những "quy định xương sống" của đạo luật này, song đã bị đưa ra ngoài và giải trình chưa thoả đáng.
"Internet ngày càng phổ biến và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ thì việc bỏ chế định trên có phải vẽ đường cho hươu chạy? Vì sao chúng ta lo lắng cấm bán rượu, bia trên internet là không phù hợp thông lệ quốc tế , mà quên mất nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em", ông Phạm Trọng Nhân nêu vấn đề.
Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cũng chia sẻ sự bất ngờ khi dự thảo Luật không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên Internet, vì nội dung này đang được quy định tại nghị định số 105 của Chính phủ.
"Đây là một biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu, bia, lẽ ra cần được xem xét kế thừa khi xây dựng Luật này thì ban soạn thảo lại bỏ ra", bà nói.
Nữ đại biểu nhấn mạnh, rượu, bia không phải là hàng hóa bình thường mà có nguy cơ gây nghiện và cần hạn chế tiêu dùng. Vì vậy, Việt Nam cần tạo ra các rào cản mạnh mẽ, bao gồm cấm bán rượu, bia trên Internet.
"Chúng ta kiểm soát tuổi khi người tiêu dùng mua trực tiếp bia, rượu tại quầy tạp hóa, nhà hàng, quán nhậu, nhưng lại cho bán trên Internet thì làm sao kiểm soát được", bà Hiền nhấn mạnh.
Giơ biển tranh luận với các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức nước ngoài có văn bản góp ý về dự luật; Ủy ban đối ngoại cũng tổ chức tọa đàm với một số tổ chức trong, ngoài nước. Liên quan đến quy định cấm quảng cáo và bán rượu, bia trên internet, "họ nói rằng không nên coi đó là vi phạm vì Internet chỉ là công cụ kinh doanh".
"Trong khi người ta kinh doanh mặt hàng được phép, đúng pháp luật thì tại sao lại đưa ra quy định cấm? Chúng tôi thấy cần cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra (quy định cấm bán rượu, bia trên Internet) vào luật, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã, đang và sẽ ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước", ông Cương nói.
Phiên thảo luận cũng ghi nhận nhiều tranh luận khác xung quanh dự thảo luật. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ sự "ngạc nhiên" về tính dự báo của dự Luật lần này, vì đi ngược với "khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người".
Theo bà, nhiều loại bia chiếm thị phần lớn trong nước hiện nay có độ cồn từ 4,2% đến 5%. Tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới đã nêu rõ, bia là đồ uống phổ biến ở Việt Nam và trong tình hình các nhà sản xuất quảng cáo, tiếp thị rộng rãi như hiện nay, thì bia là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn. Trong khi đó, dự luật chỉ quy định cấm quảng cáo rượu, bia nồng độ cồn từ 5,5% trong các chương trình thể thao, văn hoá, sân khấu diện ảnh; còn nồng độ cồn dưới 5,5% sẽ "nằm trong vùng an toàn của hoạt động quảng cáo".
"Chúng tôi đề nghị phải quản lý quảng cáo rượu, bia có độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ cấm quảng cáo trên truyền hình cần điều chỉnh lại từ 18h-21h, thay vì 19h-20 như dự luật", bà Hiền nói.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền dành 3 phút tranh luận, với lập luận rằng "nhiều đại biểu đang coi ngành sản xuất rượu, bia là tội đồ, trong khi hàng năm ngành này đóng hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người".
Ông Xuyền thừa nhận việc lạm dụng rượu bia ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, nhưng không nên phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa của ngành sản xuất này.
Đồng tình với đại biểu Xuyền, ông Dương Trung Quốc nhận định, nhiều đại biểu đang tiếp cận dự luật sai vì đối với rượu, bia phải tiếp cận từ góc độ văn hoá. "Rượu, bia là văn hoá tại sao lại mang nó lên đoạn đầu đài? Đây là luật cần ban hành, cần nhận thức tác hại, mặt trái của nó, thậm chí có chế tài nặng hơn, nhưng phải coi năng lực quản lý, kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ mới là vấn đề hàng đầu", ông Quốc nói.
Đại biểu Huỳnh Thành Trung thì không đồng tình với ông Xuyền khi cho rằng "những người khác coi ngành sản xuất rượu, bia là tội đồ". Theo ông Trung, bản chất của Luật này là hạn chế tác hại của rượu, bia. "Công ăn việc làm, đóng góp ngân sách cũng tốt nhưng không vì việc đấy mà bỏ qua tác hại của rượu, bia đến sức khoẻ, an toàn xã hội", ông Trung nói.
Theo chương trình, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.