Sáng 23/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho hay dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 36 điều, ít hơn 2 điều so với dự thảo do Chính phủ trình tại kỳ họp cuối năm 2018 và có nhiều điểm mới.
Theo bà Thúy Anh, tại kỳ họp trước, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên Internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử; tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý theo hướng, dự Luật không cấm bán rượu, bia trên Internet mà chỉ quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử.
Dự Luật cũng được chỉnh lý theo hướng chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên; cấm khuyến mãi hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi và cấm sử dụng rượu từ 15 độ trở lên để khuyến mãi dưới mọi hình thức.
Tổ chức, cá nhân khuyến mãi rượu, bia dưới 15 độ cồn phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; truyền hình không được quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn từ 19h đến 20h hằng ngày.
Dự Luật cũng quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh, chủ phương tiện thực hiện các biện pháp để tài xế không sử dụng rượu, bia khi lái xe.
Trước việc một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật chỉ nên đưa ra các quy định liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu chỉ đưa ra các quy định như đại biểu nêu mà không đề cập đến các biện pháp ngoài y tế khác nhằm "giảm cung", "giảm cầu" thì sẽ không bảo đảm tính toàn diện, hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong sáng nay 23/5 và dự kiến xem xét, thông qua Luật vào cuối kỳ họp.