Sáng 14/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ phát động và hội thảo khởi động xây dựng chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói”, một sáng kiến quan trọng nhằm loại trừ nạn đói tại Việt Nam. Sáng kiến này được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra lần đầu tại Hội nghị phát triển bền vững Rio+20 tại Brazil vào tháng 6/2012, kêu gọi tất cả các nước chung tay chấm dứt nạn đói và phát triển bền vững để mọi người đều có đủ lương thực, không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng, không còn tổn thất, lãng phí lương thực...
Để đạt được mục tiêu này tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), các cơ quan sẽ cùng hợp tác xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động quốc gia không còn nạn đói tại Việt Nam giai đoạn 2016-2025. Kế hoạch này sẽ hỗ trợ cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, đặc biệt là cho các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nhờ thực hiện đường lối đổi mới, từ một nước nghèo thiếu lương thực, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Năm 2014 Việt Nam xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều loại nông lâm thuỷ sản với tổng kim ngạch đạt gần 31 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,6% và cơ bản đã hoàn thành Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) do Liên Hợp Quốc phát động.
Dù đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với hai thách thức lớn, đó là khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo Thủ tướng, Việt Nam tham gia sáng kiến “Không còn nạn đói” không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam tích cực hưởng ứng các hoạt động của Liên Hợp Quốc mà còn là để đáp ứng yêu cầu thực tế của Việt Nam. Đó là làm tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng.
Đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam, ông Hiroyuki Konuma, Phó tổng giám đốc FAO - Trưởng đại diện FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh, kế hoạch hành động quốc gia sẽ tạo ra khung thể chế giúp thiết kế và thực thi các chính sách đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, nhờ đó sẽ tác động bền vững đến an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
"Liên Hợp Quốc cam kết tiếp tục giúp Việt Nam đạt được mục tiêu không còn nạn đói thông qua kế hoạch Một Liên Hợp Quốc", bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc - Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam khẳng định.
Hiện nay thế giới còn 805 triệu người thiếu đói; hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển; tình trạng "nạn đói tiềm ẩn", do thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, sắt và kẽm được ghi nhận là trên 2 tỷ người.
Hoàng Thuỳ