Tôi không tin! Làm sao mà tôi tin có điều gì khủng khiếp đến thế trong khi tôi được sinh ra và lớn lên ở một miền đất mà khi gia cảnh có khó khăn nhất thì tôi cũng chưa phải nhịn một bữa cơm nào. Làm sao mà tôi tin được làm gì có cái cảnh chết đói chết khát ấy khi mà chỉ được biết sơ sài qua vài dòng trong sách giáo khoa và thi thoảng mới nghe được trong tiếng mắng lúc bực tức của bà nội.
Bà nội tôi năm nay đã hơn 85 tuổi, lúc nạn đói xảy ra bà hãy còn bé. Khi kể về nó bà chỉ rủ rỉ rù rì nho nhỏ như nói về một điều gì đáng sợ lắm: “Nói ra thì chúng mày có đưa nào tin, làm gì mà đói đến mức ấy, hồi tháng ba năm ất dậu…”. Đó cũng là câu mở đầu khi mà bà tôi kể chuyện về những ngày đen tôi ấy.
Qua lời kể của bà, tôi thấy được những thân hình trơ xương, lặng lặng, với ánh mắt nhợt nhạt vô hồn và di chuyển như những thây ma. Họ chết ở mọi nơi, trong nhà của mình, đầu đường, góc chợ, cánh đồng… có khi họ đi từng đoàn trở thành nỗi ám ảnh trong tiếng mắng của bà tôi: “Thằng chết đường chết chợ”.
Họ được chất lên xe bò người kéo rồi chôn thành từng gò từng đống với cả những người lớn, người già, trẻ con, người chết lâu người mới chết và cả những người còn đang phều phào “tôi chưa chết”.
Tôi liên tưởng từ lời kể của bà đến những gì tôi thấy trong những bộ phim kinh dị với những cái xác sống. Cũng không sợ hãi bằng khi tôi tưởng tượng rằng tôi hay những người thân thuộc của mình sẽ nằm trong cái khung cảnh như lời bà kể. Sự liên tưởng ấy nhiều khi khiến cho tôi mất ngủ bởi những cơn ác mộng.
Tôi không biết rằng nạn đói ấy để lại những chứng tích gì nhưng tôi nhìn thấy điều đó ở bà và cụ nhà tôi. Bà tôi có thói quen không bao giờ bỏ đi một thứ gì gọi là “ăn được”, nhất là thóc gạo.
Ngày mùa, khi phơi rơm rạ xong bà mang chổi ra quét đường, quét sạch cả đất đá và những hạt thóc lép còn sót lại ấy cho vào bao, đến khi hết mùa lại mang ra đãi bỏ đất đá, chọn lấy thóc đem phơi khô rồi xay xát cho lợn.
Câu cửa miệng bà hay nói với tôi là: “Hạt thóc hạt gạo nó là hạt ngọc hạt vàng con ạ, đừng vứt đi mà phải tội”. Khi rửa nồi nấu cơm, những hạt cơm thừa được bà chắt bỏ nước rồi hất ra sân, bà dặn: “Hạt cơm nó quý lắm, mình không ăn nữa thì vứt ra cho con chim con chuột nó ăn, đừng đổ xuống cống mà phải tội”.
Khi xem chương trình thế giới động vật, thấy những đàn động vật đông đúc chạy trên thảo nguyên bà chặc lưỡi: “Giá như bắt được nó mà ăn nhỉ?”. Ông nội tôi lại cười: “Bà ơi, ai cũng nghĩ như bà thì các động vật quý hiếm có mà tuyệt chủng hết, người ta đang bảo vệ còn chưa được đây này, ăn á! có mà đi tù”. Bà lại nói: “Đến khi đói như năm 45 ấy, con chuột con gián cũng chẳng có mà ăn”. Tôi lại biết thêm một điều, người đói ăn cả chuột và gián - thứ mà tôi nghĩ rằng chúng vô cùng kinh tởm.
Thậm chí khi tôi còn nhỏ, bà hay dạy tôi nấu ăn thế nào cho ngon và mong muốn sau này tôi sẽ trở thành một đầu bếp với lý do duy nhất đó là: “Làm nghề này nó không bị đói”.
Còn cụ tôi, mỗi lần cụ đang ăn thứ gì đó mà có ai đi qua thì như một điều kiện phản xạ quen thuộc: cụ giấu vội thứ đang ăn ra sau lưng hoặc xuống gầm bàn. Dường như trong tâm tưởng của cụ luôn luôn sợ hãi ai đó giật mất miếng ăn trên miệng mình mặc dù đến lúc này năm 45 đã qua từ rất lâu.
Và nếu như tôi hỏi cụ tôi về nạn đói thì cụ chẳng bao giờ kể, chỉ trả lời lại bằng hai chữ “đói lắm”. Cụ là cụ hai, tức là vợ thứ hai của cụ ông nhà tôi, tôi không được biết quê cụ ở đâu, họ hàng nhà cụ thế nào? Nghe đâu chỉ còn lại mỗi mình cụ sau năm đói ấy.
Đó là những cảm nhận mơ hồ trong tuổi thơ tôi. Sau này, khi tôi đã lớn lên cũng có thói quen hay đọc sách và cuốn sách tôi đã đọc nói về nạn đói năm 45 là quyển “Nỗi đau lịch sử nạn đói năm 1945” của Nhà xuất bản Trẻ & Báo Tuổi trẻ ấn hành.
Đó cũng là lúc tôi vừa khóc vừa đi trong những ngày tưởng chừng như tận thế ấy với với những câu chuyện ngắn đầy đau thương. Tôi được thấy lại cảnh chết dần chết mòn của quê hương tôi, cảnh ngày đi chôn người này, hôm sau mình không biết sẽ được chôn hay không?
Tôi lại thấy cảnh những đoàn người là những cái “xác sống” đi trong màu xám xịt không mảnh vải che lấy tấm thân mà thấy thẹn với kiếp người. Hay tôi thấy lại cảnh người ta ăn thầu dầu đến phù người, thủng bụng, ăn cỏ, ăn đất, ăn cào cào châu chấu, gián chuột là những món “đặc sản”. Hay cảnh chạy theo mấy con ngựa của Nhật rồi hót phân của chúng về đãi lấy hạt ngô còn sót lại trong ấy.
Cảnh con giết cha, cha giết con chỉ vì một miếng ăn. Cảnh cả nhà chết mỗi người một góc hay cảnh tiếng trẻ con khóc ré lên lần cuối khi mà mẹ nó cũng đã ngồi nhe răng chết ở góc chợ từ khi nào. Rồi cảnh người chôn xác khuyên người sắp chết lúc ném lên xe bò mang đi chôn: “Thôi! Đằng nào cũng chết, không mai không có ai đi chôn”.
Những cảnh ấy như cào xé trong tôi, rồi nó thôi thúc tôi tìm về những tấm ảnh của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh. Được nhìn tận mắt những cái thây ma là đồng bào tôi những năm ấy. Sự bàng hoàng, căm giận hay đau đớn cũng không phải là cảm xúc chính của tôi bởi chúng đã trộn lẫn lại với nhau chỉ để lại một thôi thúc trong tôi đừng có bao giờ quên nỗi đau mà cha ông tôi đã từng gánh chịu, đừng có bao giờ quên được nỗi đau đớn tột cùng ấy.
Tôi chỉ băn khoăn một điều rằng tại sao khi chúng ta đã no đủ rồi người ta lại quẳng thức ăn vào thùng rác trong khi có những đứa trẻ phải nhịn đói hàng ngày. Tại sao chẳng có ai quan tâm mấy gì về năm 45, hay chỉ còn lại là những “câu nói cửa miệng”, hay chúng ta muốn chối bỏ một quá khứ đau thương ấy.
Riêng với tôi, tôi đã tin, đã từng cùng bà nội rủ rỉ rù rì kể với bà nghe những gì mình đọc được, nhìn được để nghe bà nói “nói ra chúng mày cứ không tin, cứ bảo là làm gì đói được đến thế…”
Còn bạn, bạn có tin không?
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.