Tại hội nghị 5 năm thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ sáng 24/12, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chia sẻ, có lần bà đi xe máy và đường khá vắng. Gặp đèn đỏ bà dừng xe, nhưng có người đi đằng sau không dừng. "Họ đi ngang qua và mắng tôi là Con nhà quê, có ai đâu mà phải dừng", bà Thủy kể.
Thứ trưởng Văn hóa cho rằng trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải làm thế nào để người dân chấp hành luật giao thông cảm thấy tự hào, người không chấp hành thấy xấu hổ thì mới thành văn hóa ứng xử trong giao thông. "Không ở đâu như Việt Nam, cứ mạnh ai người nấy đi, đặc biệt là ở đô thị vào giờ cao điểm. Ùn tắc nảy sinh nhiều hệ lụy khiến người dân không còn quan tâm đến trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật nữa", bà Thủy nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Thủy, năm 2013 Bộ Văn hóa đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông ban hành bộ tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Qua 5 năm, nhận thức và ý thức văn hóa giao thông của người dần được nâng lên, nhất là đối với thế hệ trẻ, nhưng vẫn còn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn. Nguyên nhân là các cơ quan chưa sâu sát để cụ thể hóa thành hành động. "Cái này cũng một phần lỗi ở cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Văn hóa", bà Thủy nói.
Năm 2018, tai nạn giao thông đường bộ giảm nhưng mục tiêu giảm số người chết 5% theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ ngày càng khó khăn. Nguyên nhân, theo Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đỗ Thanh Bình, là ý thức của người tham gia giao thông chưa tương xứng với tốc độ phát triển của phương tiện. Tại các nút đèn đỏ phải có cảnh sát giao thông thì người dân mới chấp hành.
Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông thì thiếu văn hóa giao thông, ý thức kém chiếm tới 90%.