- Thưa ông, vì sao Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 lại thu hẹp đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần?
- Khoản 1, Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 hạn chế đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động không được nhận trợ cấp bảo hiểm sau khi nghỉ việc như trước đây mà phải chờ đến lúc nghỉ hưu.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. Ảnh: H.P. |
Sự thay đổi dựa trên việc cân nhắc giữa lợi thế của hưởng lương hưu hàng tháng với hưởng một lần. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể giúp người lao động giải quyết nhu cầu trước mắt. Nhưng về lâu dài, đến tuổi nghỉ hưu thì tiền lương hưu hàng tháng có thể giúp họ ổn định cuộc sống, hưởng thêm nhiều lợi ích như: bảo hiểm y tế, ốm đau, bệnh tật khi về già sẽ được chăm sóc bởi Quỹ bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động nghỉ việc khi chưa tới tuổi nghỉ hưu thì được nhận trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm... Nếu chẳng may qua đời, họ được hưởng trợ cấp mai táng phí ít nhất bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người đó mất (Điều 66). Nếu đóng đủ 15 năm trở lên mà chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (Điều 67). Nếu chưa đủ 15 năm đóng, thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (Điều 69).
Như vậy, phương án nhận lương hưu hàng tháng tốt hơn rất nhiều so với nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Luật mới thu hẹp diện hưởng nhằm khuyến khích người lao động tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu sau này.
- Như ông phân tích, Luật bảo hiểm xã hội 2014 có nhiều ưu việt, nhưng tại sao người lao động lại phản đối quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần?
- Tôi cho rằng việc người lao động phản đối cũng như ngừng việc tập thể là do chưa hiểu rõ Điều 60 trong luật. Điều luật này có sự chuyển biến tích cực đối với quyền lợi người lao động, giúp họ ổn định đời sống khi về già.
Mỗi quy định, chính sách mới cần có sự thông tin đầy đủ đến người lao động để họ hiểu rõ. Công tác tuyên truyền, phổ biến luật của chúng ta đôi khi mang nặng tính hình thức ở chỗ chỉ nhắc lại những điều được quy định trong luật mà không giải thích rõ cho người lao động biết được sự ưu việt của chính sách, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.
Bộ mong muốn khi luật ra đời, công tác tuyên truyền sẽ giải thích rõ cho người lao động hiểu để họ thấy phương án tích lũy hưởng lương hưu tốt hơn việc nhận bảo hiểm xã hội một lần, mong muốn người lao động tự nguyện tham gia theo quy định mới để mưu cầu cuộc sống an toàn hơn về thu nhập. Như vậy thì tốt hơn nhiều so với việc để người lao động buộc mình phải tham gia hình thức này hoặc hình thức kia.
Khi đối thoại, tôi vẫn phân tích cho người lao động hiểu ưu thế của việc nhận lương hưu hàng tháng so với nhận trợ cấp bảo hiểm một lần. Nhưng lựa chọn phương án nào thì do họ tự quyết định và nên cân nhắc kỹ dựa vào điều kiện của mình.
- Theo quy định khi soạn thảo luật phải lấy ý kiến của người chịu tác động, trong trường hợp này là người lao động. Vậy với luật này việc khảo sát, lấy ý kiến được thực hiện như thế nào?
- Quá trình xây dựng luật có sự tham gia của rất nhiều cơ quan: chủ trì là Bộ Lao động, có sự tham gia của Tổng liên đoàn Lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội các ngành nghề và các bộ ngành liên quan.
Tổng liên đoàn Lao động đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, tham vấn ở công đoàn cơ sở để người lao động đóng góp vào việc xây dựng luật. Sau khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật thì Ủy ban Các vấn đề xã hội tới một số địa phương, doanh nghiệp để khảo sát ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua. Như vậy, không thể nói rằng khi xây dựng luật không xin ý kiến người lao động.
Tuy nhiên phải thừa nhận, cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp, dự thảo luật không thể lấy hết ý kiến người lao động ở các doanh nghiệp trên. Bộ đang thiết kế việc xin ý kiến thế nào để đại diện người lao động ở các vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực đều có cơ hội tham gia đóng góp xây dựng luật. Tôi cho rằng, việc lấy ý kiến người lao động cần thực chất hơn.
- Khi xây dựng dự thảo luật, việc người lao động phản đối quy định mới đến mức phải kiến nghị Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội sửa đổi khi luật còn chưa có hiệu lực được cân nhắc như thế nào?
- Khi xây dựng luật, chúng tôi đã lường trước các tình huống. Dự thảo luật tổ chức nhiều vòng tham vấn ý kiến của người lao động. Khi Quốc hội biểu quyết thông qua, tỷ lệ đồng thuận 71% thì cũng không phải là phản đối toàn bộ dự thảo luật mà có thể không đồng ý một số điểm nào đó. Luật pháp khó mà điều chỉnh để có thể thỏa mãn được tất cả.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hàng năm Nhà nước đều điều chỉnh lương hưu. Khi người lao động tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội thì nhà nước có trách nhiệm bảo toàn số tiền đó. Vậy nên, người lao động không cần lo ngại khi tham gia quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bị thiệt khi đồng tiền bị mất giá. |
Việc người lao động phản đối quy định mới cho thấy khi thiết kế chính sách cần tính đến trường hợp cụ thể để có ứng xử phù hợp. Ví dụ người lao động không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, họ muốn tham gia sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm, học hành... Như vậy, nên có sự linh hoạt trong việc thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội một lần hay tích lũy để đáp ứng nhu cầu của họ. Xét thấy nguyện vọng của người lao động là chính đáng thì cần phải tôn trọng và kiến nghị thay đổi một số quy định trong luật.
Trước đây chưa có sự việc tương tự. Luật ra đời phù hợp với cuộc sống ở giai đoạn này nhưng không hợp khi hoàn cảnh thay đổi. Luật Đất đai, Bộ Luật lao động... cũng từng sửa đổi, bổ sung nhiều lần để phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn.
- Chính phủ đã nhất trí kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 theo hướng để người lao động tự chọn thời điểm hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong thời gian tới, Bộ sẽ làm gì?
- Việc thay đổi quy định đã nằm trong nghị quyết của Chính phủ. Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Điều 60 theo hướng linh hoạt: người lao động không có nguyện vọng bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội một lần mà muốn hưởng như trước thì giải quyết cho họ, còn người nào muốn bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thì được thực hiện theo quy định mới.
Từ nay đến lúc luật mới có hiệu lực còn hơn 8 tháng nữa, Bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan tổ chức nhiều cuộc tham vấn, đối thoại với người lao động để nghe góp ý. Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ tiếp tục đón nhận các ý kiến, phản ánh của người lao động liên quan đến nội dung quy định của luật mới.
|
- Khi đối thoại với hàng nghìn công nhân ngừng việc tập thể, ông đã phải chịu áp lực thế nào?
- Việc thúc đẩy đối thoại xã hội giữa lãnh đạo cơ quan nhà nước với người dân, người lao động, doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ là điều rất quan trọng. Đây cũng là cách nhanh nhất để tháo gỡ thắc mắc cho công nhân, ổn định sản xuất cho doanh nghiệp.
Việc giải thích để công nhân hiểu những thay đổi của quy định mới là trách nhiệm của lãnh đạo, cũng là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc lắng nghe nguyện vọng của người lao động. Nếu thấy yêu cầu của người lao động là chính đáng thì kiến nghị thay đổi quy định để đáp ứng nguyện vọng. Tôi tin rằng bất kỳ một cơ quan nào của chính phủ cũng đều nhận thức được trách nhiệm này. Bản thân tôi vẫn cảm thấy thoải mái khi giải thích rõ thắc mắc của hàng nghìn công nhân và không có áp lực gì khi đối thoại với họ.
Những thay đổi mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
Khoản 1, Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần bao gồm: - Người đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. - Người ra nước ngoài định cư; - Người bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu. |
Hoàng Phương thực hiện