Chiều 30/5, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Phó chủ tịch Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) Chung Jin Hae cho biết, Hyundai mong muốn tham gia hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm về dự án cao tốc Bắc Nam và đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, Hyundai đã hoàn thành 3 tuyến ở nước ngoài, 6 tuyến tại Hàn Quốc và 9 tuyến đường sắt đô thị ngầm.
Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Hyundai có thể cung cấp các giải pháp tổng thể từ lập kế hoạch, huy động tài chính, xây dựng, vận hành và bảo trì, cũng như cung cấp thiết bị công nghệ, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo.
Hyundai gợi ý cách thức huy động vốn cho dự án đầu tư đối tác công - tư (PPP) như: có sự tham gia bảo lãnh cấp Chính phủ hai nước để thu hút các nhà đầu tư tài chính, áp dụng chính sách bảo lãnh doanh thu tối thiểu, Chính phủ giữ vai trò chính trong giải phóng mặt bằng, có chính sách thân thiện với nhà đầu tư...
Trao đổi với lãnh đạo tập đoàn này, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Việt Nam đang huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với nhiều hình thức đầu tư.
Thứ trưởng đề nghị Hyundai chia sẻ kinh nghiệm trong việc lập, triển khai và thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư PPP. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham khảo, xây dựng được giải pháp đầu tư dự án phù hợp với quốc tế và tham mưu với Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách PPP.
Theo báo cáo tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được xây dựng theo lộ trình, giai đoạn một (2020-2030) sẽ đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh dài 282 km và Nha Trang - TP HCM dài 362 km. Giai đoạn hai (2030-2045) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang dài khoảng 901 km, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2045.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 1,35 triệu tỷ đồng (hơn 58,7 tỷ USD), trong đó, giai đoạn một hơn 567.000 tỷ đồng, giai đoạn hai trên 783.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 2,23 tỷ USD, chi phí xây dựng và thiết bị 43,3 tỷ USD, chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác 4,3 tỷ USD... Dự án được thực hiện theo hình thức PPP với nguồn vốn nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân 20%.