Từ trưa đến tối 23/5, tình trạng ùn ứ cục bộ tại trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) diễn ra liên tục khi nhiều tài xế đậu ôtô phản ứng. Họ đưa 2.000 đồng để trả cho quãng đường 300 m sử dụng của dự án BOT.
"Xe tôi 1,5 tấn, chở hàng từ TP Long Xuyên (An Giang) qua cầu Vàm Cống giao cho khách ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) phải trả 70.000 đồng, trong khi chỉ đi mấy trăm mét đường của họ đầu tư là vô lý quá", một tài xế nói.
Các nhân viên trạm thu phí giải thích chỉ bán vé toàn tuyến, từ 35.000 đến 200.000 đồng. Không được giải quyết, các tài xế đậu ôtô kín các làn. Dòng xe phía sau nối đuôi kéo dài hàng trăm mét bấm còi inh ỏi, quản lý BOT buộc phải cho xả trạm.
Vài phút sau, khi tuyến đường thông thoáng, trạm thu phí hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số tài xế đã cho xe quay lại dùng "chiêu cũ", khiến ùn tắc tái diễn.
Trong ngày, trạm BOT T2 phải xả cửa hàng chục lần. Rất đông cảnh sát giao thông, 113, công an địa phương được huy động để điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự.
Hai hôm trước, sau khi cầu Vàm Cống thông xe hai ngày, nhiều tài xế cũng đậu xe trước trạm BOT T2 phản ứng.
Hôm nay, trong cuộc họp với Tổng cục Đường bộ tại Cần Thơ, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải An Giang, Đồng Tháp đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến trạm thu phí T2 như: giảm phí cho người dân địa phương, di dời trạm thu phí về vị trí khác, phát thẻ thu phí với mức phí riêng khoảng 2.000 đồng mỗi lượt xe cho những xe chỉ đi từ 300 m đến một km trên quốc lộ 91 để lên cầu Vàm Cống...
Lãnh đạo Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải chưa có chủ trương di dời trạm thu phí BOT T2. Đối với đề xuất thu phí 2.000 đồng mỗi lượt xe qua lại dưới một km cũng khó thực hiện được vì các dự án BOT hiện áp dụng chính sách thu phí hở cho toàn bộ dự án theo một mức phí.
Theo Tổng cục Đường bộ, dự án BOT quốc lộ 91 đang miễn giảm phí cho phương tiện của người dân trong bán kính 8 km quanh trạm thu phí. Sau khi cầu Vàm Cống hoạt động, nhiều hộ dân phía Đồng Tháp cũng nằm trong phạm vi bán kính dự án dưới 8 km song chưa được giảm theo quy định chung. Vì vậy, nếu tỉnh có văn bản đề xuất miễn giảm phí cho phương tiện, đơn vị sẽ xem xét.
Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Khang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho biết, công ty ủng hộ và thực hiện các giải pháp, tiêu chí được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt sau khi có đóng góp, đề xuất từ các địa phương, đơn vị liên quan...
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 theo hình thức BOT với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Trên dự án có hai trạm thu phí gồm T1 được đặt tại quận Ô Môn và trạm T2 tại quận Thốt Nốt - giáp ranh tỉnh An Giang. Hai trạm này hoạt động vào năm 2016, thời gian thu hơn 23 năm.
Cửu Long - Đoàn Loan