Ngày 21/5, nhiều tài xế đồng loạt đậu ôtô tại trạm BOT T2 trên quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), hướng từ tỉnh An Giang về TP Cần Thơ, để phản ứng việc thu phí bất hợp lý.
Các tài xế cho rằng, cầu Vàm Cống vừa thông xe được sử dụng miễn phí, nhưng ôtô từ Long Xuyên đi ngã ba Lộ Tẻ qua cầu để về TP HCM và ngược lại phải trả phí toàn tuyến BOT quốc lộ 91, dù họ chỉ sử dụng khoảng 300 m của dự án này.
"Xe tải của tôi 18 tấn, chở hàng từ Sài Gòn về An Giang thường xuyên. Trước đây đi phà mất 120.000 đồng. Nay có cầu đi thoải mái nhưng lại tốn 140.000 đồng, dù chỉ sử dụng vài trăm mét trên dự án BOT là quá vô lý", một tài xế nói.
Sau khi được lực lượng chức năng của TP Cần Thơ giải thích, vận động thì các tài xế rời đi. Sự việc kéo dài khoảng một tiếng, khiến giao thông ùn ứ cục bộ.
Ông Nguyễn Văn Kiệm - Trạm trưởng trạm T2 (Công ty cổ phần đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang) cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự, cơ quan chức năng yêu cầu đơn vị chủ động xả trạm, không đợi đến khi ùn tắc hơn 750 m theo quy định.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí cho rằng, "việc đặt trạm BOT T2 hiện tại, ai cũng thấy bất hợp lý".
Theo ông Trí, Tỉnh ủy, UBND An Giang đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần nhưng chưa có kết quả. Trước đó, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo cho Bộ Giao thông Vận tải phải đặt trạm BOT T2 đúng chỗ.
"Việc phản ứng đòi quyền lợi chính đáng của người dân trong trường hợp này là quá đúng", Giám đốc sở Giao thông vận tải An Giang nói và mong các tài xế cần bình tĩnh, chờ Bộ Giao thông Vận tải giải quyết.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 theo hình thức BOT với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Trên dự án có hai trạm thu phí gồm T1 được đặt tại quận Ô Môn và trạm T2 tại quận Thốt Nốt - giáp ranh tỉnh An Giang. Hai trạm này hoạt động vào năm 2016, mức phí 35.000 -200.000 đồng, thời gian thu hơn 23 năm.
Cửu Long