Ngày 26/4, hàng chục ôtô biển số Bình Phước, TP HCM, miền Tây chạy đến đến dừng ở trạm thu phí số 2 Đồng Xoài - Phước Long trên đường ĐT714 (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, Bình Phước) nhưng không mua vé.
Cánh tài xế đồng loạt xuống xe lấy điện thoại chụp hình, livestream và yêu cầu dẹp trạm khiến hàng trăm phương tiện nối đuôi nhau, ùn tắc hàng trăm mét. Nhiều cảnh sát được huy động để vãn hồi trật tự.
Lý do phản đối được các tài xế đưa ra là, dự án chỉ có 46 km nhưng đặt tới hai trạm và thu phí hai lần trên đoạn đường từ thị xã Phước Long xuống TP Đồng Xoài. Ngoài ra, năm 2016, BOT này được HĐND tỉnh Bình Phước cho phép tăng giá cước từ 1,5 đến 2 lần so với trước đây.
Sau 30 phút giải thích bất thành, chủ đầu tư đã xả trạm 10 phút và thu phí trở lại khi đoàn xe phản đối rời đi. "Trước đây từng xảy ra việc tài xế kéo đến yêu cầu xả trạm nhưng không gay gắt như lần này. Chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng xử lý đối với những tài xế có hành vi gây rối", ông Đào Văn Thoan, Chánh văn phòng Công ty Cổ phần kinh doanh BOT ĐT741, nói.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT741 có tổng mức đầu tư hơn 170 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ 2003, thời hạn 25 năm và đã được gia hạn thu thêm 5 năm.
Trước đó, cho rằng mật độ trạm BOT tại Bình Phước dày đặc, tài xế và doanh nghiệp phải oằn mình đóng phí, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ gửi văn bản kêu cứu khẩn cấp lên cơ quan chức năng.
Theo đó, trên tuyến đường ĐT741 từ thị xã Phước Long về TP HCM có tới 6 trạm thu phí gồm Bù Nho - Đồng Xoài (46 km), Đồng Xoài - Tân Lập (29 km), Tân Lập - Bố Lá (30 km), Bố Lá - Suối Giữa (58 km), Suối Giữa - Lái Thiêu (17,2 km)...
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo UBND tỉnh Bình Phước kiểm tra phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu rà soát việc thực hiện điều chỉnh mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/5.
Văn Trăm