Theo văn bản Trưởng Phòng Giáo dục TP Châu Đốc Nguyễn Thị Hồng Loan ký, khi tham gia mạng xã hội, nghiêm cấm cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trên địa bàn bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo... làm ảnh hưởng uy tín đến người khác.
Ngoài ra, Phòng Giáo dục cũng yêu cầu các trường trên địa bàn, thuộc quản lý của Phòng, phải tổ chức kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức không được sử dụng giờ hành chính để lên mạng xã hội phục vụ nhu cầu giải trí cá nhân.
Lý giải về việc ra quyết định này, Phòng Giáo dục cho là "muốn tốt cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh" bởi thấy mạng xã hội hiện nay rất phổ biến.
"Lo rằng có cán bộ công nhân viên nhận thức khác biệt, lệch lạc; chia sẻ, bình luận theo chiều hướng không tốt. Không may có vấn đề gì xảy ra thì không cứu anh em được. Ở góc độ quản lý, mình không muốn anh em gặp chuyện gì hết nên nhắc chung như vậy", bà Loan nói.
Theo bà Loan, việc ra công văn này dựa trên cơ sở là 2 văn bản của UBND TP Châu Đốc và Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh An Giang về việc sử dụng mạng xã hội và cung cấp thông tin trên mạng xã hội.
Về vấn đề này, ông Cao Xuân Bá - Chủ tịch UBND TP Châu Đốc - cho hay, mục đích chính là để chấn chỉnh các trường hợp cán bộ, công chức sử dụng giờ làm việc vào việc khác, lên mạng xã hội khai khác mặt không tốt... chứ hoàn toàn không cấm các quyền hợp pháp.
"Tôi có nghe thông tin dư luận phản ứng về văn bản của Phòng Giáo dục và đang cho kiểm tra lại, xem có phù hợp hay không. Có khi dưới đó cụ thể hóa hơi quá mức độ", ông Bá nói và cho biết sau khi kiểm tra văn bản của Phòng Giáo dục nếu không phù hợp thì UBND thành phố Châu Đốc có biện pháp chấn chỉnh.
"Nếu quá lố thì Phòng Giáo dục phải rút lại văn bản và thay đổi bằng một văn bản khác với các nội dung phù hợp", người đứng đầu UBND thành phố Châu Đốc khẳng định.
Cửu Long