Phát biểu tại cuộc đối thoại với công nhân thủ đô sáng 11/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố quyết tâm thực hiện đề án chống ùn tắc giao thông.
Theo nghị quyết liên quan đến chống ùn tắc giao thông được thông qua giữa năm 2017, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy ở quận nội thành vào năm 2030. "Nếu điều kiện phát triển giao thông công cộng tốt lên, thành phố có thể đẩy nhanh tiến độ cấm xe máy trước năm 2030", ông Chung nói.
Nhiều thành phố Trung Quốc hiện không dùng xe máy, chuyển sang dùng xe điện, xe đạp; đến năm 2022 nhiều thành phố châu Âu không dùng ôtô chạy bằng xăng. Khoảng cách từ ga tàu điện ngầm đến các bến xe buýt thường có bán kính 500-1.000 m nên người dân chủ yếu đi bộ.
Từ thực tiễn trên, ông Chung đề nghị công nhân lao động "trong phạm vi 1-2 km nên tăng cường thói quen đi bộ, mọi người nên chuyển đổi sang đi xe đạp, thân thiện với môi trường". Thời gian tới thành phố sẽ phát triển các loại ôtô từ 16 đến 24 chỗ với lộ trình chạy nối các khu công nghiệp, khu đông dân cư và đó là một trong những giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân.
Trước ý kiến về việc tăng giá điện, xăng dầu thời gian qua ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân, Chủ tịch Hà Nội chia sẻ những khó khăn của người lao động và cho hay Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương kiểm tra lại việc tính giá điện. Giá xăng đang được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Thời gian qua, giá xăng dầu trên thế giới tăng, khiến giá trong nước cũng tăng.
"Thu nhập của người dân và công nhân Việt Nam đang thấp. Nhưng giá xăng dầu của Việt Nam mới bằng 70% giá xăng dầu của Lào, Campuchia và Trung Quốc, thậm chí chỉ bằng 50% so với giá xăng dầu của châu Âu", ông Chung nói.
Đầu tháng 3/2019, tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện nêu quan điểm "cấm xe máy càng sớm càng tốt" và cho biết đang phối hợp cùng Viện chiến lược Giao thông nghiên cứu xây dựng đề án, trong đó có tính tới việc dừng đăng ký mới xe máy.
Hai ngày sau, ông Viện cho biết để thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, thành phố nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở, hạ tầng.
"Ví dụ chúng tôi đang lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động", ông Viện nói.
Hiện TP Hà Nội có gần 6 triệu xe máy.