Mất mát từ thiệt hại do bão gây ra tháng trước chưa hết, người miền Trung tiếp tục gánh chịu đau thương do lũ sau cơn bão Nari vừa diễn ra. Đến sáng nay, mưa dần ngớt, nhưng tại một số huyện miền núi của Hà Tĩnh như Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê nước rút chậm, hàng nghìn ngôi nhà các xã vùng hạ lưu vẫn chìm trong biển nước.
Ảnh: Hà Tĩnh ngập trong biển nước
Gần một ngày sau khi lũ tràn vào ngôi nhà cấp 4 nằm gần con suối ở thôn Công Đẳng, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, chị Phạm Thị Luận (49 tuổi) cùng con trai đang thu dọn đồ đạc vung vãi. Hai mẹ con cũng không quên làm tạm chuồng nhốt ổ lợn nái - tài sản đáng giá nhất của gia đình suýt bị nước lũ cuốn đi.
Chập tối 16/10, khi đang nấu cơm, chị Luận thấy nước từ suối tràn vào vườn, nghĩ rằng cũng như những lần trước, mưa xong nước sẽ chảy ra, nên chị không để ý. Nấu xong nồi cơm, chị Luận bê xô cám bước ra sân để cho lợn ăn thì ngã người khi nước ngập lút hết sân và đang lăm le tràn vào nhà. Tiếng nước chảy ào ào, sôi bọt rồi dâng nhanh. Lúc này, trong nhà chỉ có hai mẹ con, chồng chị là anh Nguyễn Văn Hiển bị bệnh nặng nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An mấy tháng nay.
"Thấy nước trắng xóa, tôi hét toáng lên kêu con trai lớn nhanh nhanh ra di tản ổ lợn", chị Luận kể.
Nước đổ về mỗi lúc một mạnh, hai mẹ con cố gắng bê hết đồ đạc vật dụng vứt lên gác để tránh bị ướt. Nước tràn vào trong nhà, cao hơn một mét, nhìn ra bên ngoài nước chày ào ào mênh mông. "Còn mấy chục con gà và hơn 20 con thỏ nhốt ở chuồng đã bị nước lũ cuốn mất tích", người phụ nữ 49 tuổi vừa nói vừa khóc. "Đây là cơn lũ kinh hoàng nhất kể từ sau cơn lũ năm 2002 trở lại đây".
Thời điểm lũ đỉnh điểm là khoảng 22h đêm 16/10, nước dâng cao gần hai mét trong nhà khiến hai mẹ con phải ngồi co ro trên gác trong bóng đêm. Đến khoảng 3h sáng 17/10, nước bắt đầu rút khỏi nhà.
Cách nhà chị Luận chừng nửa cây số là ngôi nhà cấp 4 lụp xụp nằm phía sau làng của vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền (37 tuổi). Chị Huyền cho biết, tối qua đang ngồi ăn cơm, thấy nước chảy từ vườn vào nhà thì gia đình chị mới biết là lũ đến.
Báo cáo từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho hay, mưa vừa, mưa to đến rất to từ trong các ngày 15 và 16/10 đã làm ngập lụt ở 35 xã/thị trấn; và gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương miền núi. Quốc lộ 8A, Quốc lộ 15A, Tỉnh lộ 17, Tỉnh lộ 3 bị ngập ở nhiều nơi, riêng Quốc lộ 8A một số đoạn ngập sâu từ 0,6 đến 0,8m và sạt lở tại một số vị trí gây ách tắc giao thông từ 4h ngày 16/10, hiện vẫn chưa thông tuyến. |
"Tự nhiên thấy nước tràn vào nhà tôi không hiểu chuyện gì. Miệng gọi chồng bê mấy bì lúa đặt dưới nền nhà kê lên cao khoảng 50 cm, tay tôi xách vội thằng con trai đứng lên giường khỏi bị nước ngập", chị Huyền nói.
"Ai ngờ mấy chục phút sau mấy bì lúa đã ngập chìm trong nước. Biết không trụ nổi nên cả gia đình khóa vội cửa rồi lội nước ngập ngang tới bụng lên nhà bố mẹ đẻ nằm trên đồi cao cùng xã để tránh lụt", chị Huyền kể lại giây phút bỏ nhà chạy thoát khỏi dòng lũ dữ.
Sáng 17/10 nước rút, chị trở về nhà thu dọn đồ đạc. Tài sản vốn không có thứ đáng giá ngoài mấy tạ lúa và vài bộ quần áo giờ ngập trong nước, chưa biết xoay đâu ra tiền để lo bữa ăn.
Nước đã rút dần, nhưng vẻ mặt sợ sệt của cụ Năng (70 tuổi, xã Sơn Phú, Hương Sơn) vẫn còn hiện hữu. "Đây là trận lũ lớn nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Tôi được dân quân và thanh niên niên đưa đến ngôi nhà hai tầng của hàng xóm để trốn lũ, lúc trở về thấy vườn tràm đổ rạp, đồ đạc trong nhà hư hỏng", cụ Năng nói.
Cùng với Hà Tĩnh, Quảng Bình là địa phương chịu hậu quả nặng của trận lũ sau bão Nari. Ba huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch bị ngập nghiêm trọng, nhiều nơi ngập sâu từ 1,5 m đến 2 m. Giới chức hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cho rằng, đỉnh lũ lần này có thể là đỉnh lũ lịch sử.
Tối qua, Quảng Bình đã ngớt mưa. Hiện các huyện, thành phố thuộc tỉnh Quảng Bình tập trung cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực cho người dân ở vùng bị ngập, khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.
21h đêm 16/10 qua điện thoại cầm tay, anh Nguyễn Văn Hoàn (26 tuổi) nhà ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) giọng nói run run cho biết, hiện gia đình anh 9 người vẫn trốn lụt trên gác.
Theo lời kể của anh Hoàn, cuối chiều 15/10 nước lũ từ sông Gianh bắt đầu tràn vào làng, gia đình anh và hàng xóm đưa trâu bò di chuyển vào rừng để tránh lụt, mọi người cố gắng thu dọn đồ đạc khênh lên gác. Khoảng 2h sáng 16/10, nước lũ tràn vào nhà sâu hơn một mét, gia đình anh gồm bố mẹ và 7 anh em ruột trèo lên gác để tránh lụt. Nhiều nhà bà con hàng xóm ngập sâu hơn nhà anh Hoàn.
"Từ sáng tới giờ mọi người trong nhà chỉ ăn mì gói trữ sẵn qua bữa. Mong sao hết đêm nay nước rút ra khỏi nhà để mọi người xuống", Hoàng kể.
Ở Quảng Bình, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12A, quốc lộ 15, đường 16, hệ thống đường sắt bị ngập ở nhiều nơi, có nơi ngập sâu tới 3 m gây ách tắc giao thông. 98 học sinh mầm non ở thôn Phúc Kiều (Quảng Tùng, Quảng Trạch) đến hội trường thôn học tạm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đến 20h ngày 16/10 bão, mưa lũ tại các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và Kon Tum khiến 9 người chết (Quảng Bình 5 người, Quảng Nam 3 người, Nghệ An 1 người); 6 người mất tích và 76 người bị thương. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị sập, trôi, ngập, tốc mãi, hư hỏng. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn trung ương, lũ ở hạ lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) đang lên chậm, thượng nguồn sông La và các sông ở nam Quảng Bình đang xuống. Mực nước lúc 16h ngày 17/10 ở một số sông như sông Cả tại Nam Đàn là 6,65m, (dưới báo động 2 là 0,25 m); sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 10,69 m (trên báo động 3: 0,19 m); sông La tại Linh Cảm: 5,74 m (trên mức báo động 2: 0,24 m). Dự báo trưa chiều mai, lũ hạ lưu sông Cả, sông La có khả năng đạt đỉnh, đỉnh lũ tại Nam Đàn đạt mức 6,9m (báo động 2), tại Linh Cảm đạt mức: 5,9m (trên báo động 2: 0,4 m); riêng trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức 9,5m (báo động 2) |
Nhóm phóng viên