Hội nghị Trung ương 8, khóa XII hôm 3/10 thống nhất 100% giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV (khai mạc ngày 21/10).
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng lịch sử Đảng, chia sẻ với VnExpress những suy nghĩ nhân sự kiện trên.
- Ông nhận định như thế nào về đề cử của Hội nghị Trung ương?
- Trước hết, nhìn ra thế giới thì tuy mô hình đa dạng nhưng về cơ bản hay có thể nói với đa số quốc gia, lãnh đạo đảng cầm quyền là người đứng đầu nhà nước hoặc nội các. Đơn cử, ông Shinzo Abe là Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản, đồng thời giữ chức vụ Thủ tướng.
Liên Xô trước đây, người lãnh đạo cao nhất của đảng cũng là người nắm chức vụ cao nhất của nhà nước. Tổng thống Nga Putin vừa qua tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, tuy nhiên ông từng là chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất và có cơ sở chính trị ở đây.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đồng thời là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương; với nước Lào thì Tổng bí thư giữ chức Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Tỉnh trưởng.
Tương tự, ở Cuba, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.
Như vậy, cách thức tổ chức nói trên mang tính phổ biến, vừa củng cố vị thế của đảng chính trị cầm quyền, vừa tăng cường trách nhiệm quản lý của nhà nước.
Với nước ta, sau khi ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng đồng thời là Chủ tịch nước cho đến khi người từ trần vào tháng 9/1969. Trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, vấn đề Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đã có một số lần được đặt ra, mang tính đề xuất, thảo luận nhưng chưa đủ điều kiện cần thiết. Lần này, Ban chấp hành Trung ương thống nhất 100% giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước cho thấy đã có sự đồng thuận rất cao của Trung ương với công việc hệ trọng này.
- Các nhiệm kỳ gần đây, chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước luôn được đảm nhận bởi hai nhà lãnh đạo khác nhau. Ông giải thích điều này như thế nào dưới góc độ là một người nghiên cứu lịch sử Đảng?
- Từ năm 1969 trở lại đây, Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với các điều kiện rất khác nhau, sau chiến tranh là thời kỳ bao cấp, rồi đến đổi mới, mở cửa hội nhập. Trên chặng đường nhiều chuyển biến ấy, để tìm ra được mô hình hoàn thiện, ổn định thì phải có quá trình.
Mô hình phát triển kinh tế như thế nào, đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền ra sao..., là cả một chặng đường tìm tòi. Trong thực tế với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, việc người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước gồm hai vị khác nhau là thực hiện theo sự phân công của Đảng.
Đây là vấn đề không chỉ phụ thuộc vào phương thức hoạt động của Đảng và của Nhà nước, mà còn có những đòi hỏi về con người cụ thể. Nhân sự nào có thể đáp ứng được cả hai trọng trách đó, nghĩa là phải có điều kiện lịch sử nhất định.
Mỗi cách thức tổ chức đều có điểm tích cực riêng. Tuy nhiên, theo tôi, căn cứ vào tính phổ biến trên thế giới và sự thống nhất của Hội nghị Trung ương, đây là lúc phù hợp để Việt Nam áp dụng mô hình Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước
- Ông nói "áp dung mô hình" nghĩa là đề xuất thể chế hoá, nghiên cứu quy định Tổng bí thư đồng thời giữ chức Chủ tịch nước cho cả nhiệm kỳ sau?
-Tôi tin nếu chúng ta áp dụng mô hình này thì sẽ vận hành ổn định và có nhiều điểm thuận lợi. Nên nghiên cứu thể chế hóa và trên cơ sở quy định chung, mỗi nhiệm kỳ Đảng, nhân dân sẽ chọn được người cụ thể.
Về khoa học tổ chức, ở thời điểm này, đất nước đã hội đủ điều kiện cả về phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, cả về con người cụ thể. Và trên cơ sở kết quả Quốc hội bầu tới đây cũng như thực tiễn những năm cuối nhiệm kỳ khoá XII, việc áp dụng mô hình Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ phát huy tác dụng tích cực, vừa nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy hiệu lực của Nhà nước chứ không triệt tiêu hay cản trở nhau.
- Đâu là những "điểm thuận lợi" để ông đưa ra đề xuất nêu trên?
- Tổng bí thư đồng thời Chủ tịch nước sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, thực hiện tốt điều 4 của Hiến pháp "Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội"; cùng với đó, sẽ giúp nâng cao hơn nữa vị thế của người đứng đầu Nhà nước trong thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn đã được Hiến pháp quy định.
Tổng bí thư là người lãnh đạo, điều hành Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư; chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm... Bên cạnh đó, Chủ tịch nước là người thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Rõ ràng, khi một nhà lãnh đạo đảm nhiệm cả chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước thì đòi hỏi phải có những phẩm chất, trình độ và năng lực, uy tín cần thiết để xử lý thành công cả vai trò lãnh đạo của Đảng và thực hiện quyền lực Nhà nước. Chính điều đó càng khẳng định và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.
- Có ý kiến lo lắng về vấn đề kiểm soát quyền lực khi một người nắm giữ chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước. Ông nghĩ sao?
- Vừa qua, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực và đề ra nhiều giải pháp cụ thể mà cả hệ thống chính trị đã và đang triển khai.
Trong Đảng có cương lĩnh, điều lệ và nhiều quy định khác, kể cả quy định về trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo cấp cao đang được Hội nghị Trung ương 8 xem xét, ban hành. Cùng với đó là kiểm soát quyền lực bằng quy định của Hiến pháp và pháp luật, bằng các cơ quan kiểm tra, thanh tra, của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bất cứ ai, ở cương vị nào cũng phải chịu giám sát đó.
Với nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, khi đã thành nghị quyết thì người đứng đầu chịu trách nhiệm thực thi, không thể làm khác, nếu làm khác là vi phạm và như tôi nói ở trên lúc đó sẽ có các quy định trong Đảng và quy định pháp luật để kiểm soát.