"Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã nhất trí giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước theo quy định và điều lệ Đảng, quy định của Hiến pháp, nguyện vọng của cử tri và nhân dân", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều nay trả lời hãng thông tấn Pháp AFP trong họp báo thường kỳ.
Hội nghị Trung ương 8 hôm 3/10 đã thống nhất 100% giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV khai mạc vào ngày 21/10.
Trước đó, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào sáng 21/9, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công giữ quyền Chủ tịch nước. Theo quy định hiện hành, bà Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.
Sau nhiều nhiệm kỳ, đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng được Ban chấp hành Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức danh Chủ tịch nước - người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Theo quy định trong Đảng, chức danh Chủ tịch nước là nhân sự phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có các phẩm chất, năng lực, như: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.
Chức danh Chủ tịch nước cũng yêu cầu tiêu chuẩn "có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp; là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước; quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công".
Hiến pháp quy định Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.
Khánh Lynh