Thứ ba, 14/5/2024
Thứ bảy, 22/11/2014, 11:38 (GMT+7)

Kiểm tra nồng độ cồn bằng máy siêu tốc

Chỉ khoảng 2 giây, một thiết bị nhỉnh hơn chiếc điện thoại thông minh sẽ cho ra kết quả về nồng độ cồn của tài xế, mà người này không cần phải rời xe.

Từ ngày 20/11, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ Công an phối hợp với lực lượng CSGT các địa phương dọc Quốc lộ 1A và 18 m, kiểm tra nồng độ cồn của tài xế bằng phương pháp quốc tế. Theo thiếu tá Phạm Quang Huy, trưởng phòng tuyên truyền hướng dẫn luật - Cục CSGT đường bộ, đường sắt, trong đợt cao điểm này, Cục huy động khoảng trên 40 người và phương tiện máy móc để phối hợp với các địa phương.

Quảng Ninh được coi là địa phương đi đầu trong việc áp dụng phương pháp đo nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau giờ ăn tối, tổ công tác thuộc phòng CSGT - Công an tỉnh Quảng Ninh gồm 10 chiến sĩ cảnh sát giao thông và cơ động lập chốt để kiểm tra trên Quốc lộ 18.

Mỗi chốt có 3-4 cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ dừng và mời tài xế các loại phương tiện, phần lớn là ôtô vào kiểm tra.

Lực lượng cảnh sát cơ động sẽ hỗ trợ cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn của tài xế.

Khi được cảnh sát giao thông yên cầu, lái xe có thể thổi cách xa máy vài cm, thay vì ngậm vòi như trước đây và chỉ vài giây sau, máy đã cho kết quả. Những chiếc máy này được tổ chức Y tế thế giới (WHO) trang bị cho CSGT 5 tỉnh thành trong dự án thí điểm Tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Ông Nguyễn Phương Nam - Văn phòng WHO Việt Nam cho biết, giá mỗi thiết bị này khoảng 1.055 USD (tương đương hơn 23 triệu đồng, được ưu đãi giảm 30% so với giá thị trường).

Ngoài tài xế xe con, thì các tài xế xe tải và xe khách cũng được cảnh sát đo nồng độ cồn.

Nhiều người do lần đầu đo nồng độ cồn theo phương pháp mới, đã được cảnh sát, cầm tay hướng dẫn cách lấy hơi rồi thổi nhẹ để lượng khí vừa đủ vào máy cho kết quả. Với những người không phát hiện ra nồng độ cồn, cảnh sát sẽ cho đi và không được phép kiểm tra các lỗi vi phạm khác.

Chiếc máy đo nồng độ cồn nhỉnh hơn chiếc điện thoại cho ra kết quả bằng tiếng Việt chỉ trong 2,3 giây sau khi lái xe thổi vào.

Với những tài xế trong hơi thở có cồn, máy sẽ báo và tự động in kết quả ra giấy với những thông số, ngày giờ kiểm tra, nồng độ cồn...

Căn cứ vào đó, cảnh sát giao thông lập biên bản và xử lý người vi phạm. Trao đổi với VnExpress, thượng uý Nguyễn Xuân Tiến, đội phó đội CSGT Trung tâm dẫn đoàn, Phòng CSGT - Công an Quảng Ninh cho biết với lỗi vi phạm về nồng độ cồn, cảnh sát căn cứ theo 3 mức để xử phạt, trong đó mức từ có đến 0,25mg/lit khí thở sẽ phạt 2,5 triệu đồng và hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 7 ngày. Mức 0,25 đến 0,4mg/l sẽ phạt 7,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày, mức thứ 3 từ 0,4 trở lên sẽ phạt tới 12,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày. Với mức phạt này, theo thượng uý Tiến đã mang tính răn đe cao và góp phần làm tăng nhận thức của tài xế, để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Với hình thức mới này, mỗi chốt cảnh sát giao thông vào buổi tối sẽ kiểm tra được vài trăm chủ phương tiện và xử phạt hàng chục người vi phạm. Tính riêng trong năm 2014, CSGT tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 2.339 trường hợp, trong đó 1.852 ôtô, 487 mô tô phạt tiền trên 11 tỷ đồng; tạm giữ 2.339 trường hợp và tước giấy phép lái xe 2.319 trường hợp (trong đó có 1.836 ô tô, 483 môtô). Hình thức xử lý nồng độ cồn siêu nhanh này, được phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu áp dụng trên toàn quốc trong năm nay và đến nay nhiều địa phương đã áp dụng, bước đầu cho thấy hiệu quả tốt, góp phần vào giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Bá Đô