Theo Tổng cục Môi trường, đến 7h, chỉ số AQI tại điểm đo nêu trên vẫn trên ngưỡng 300 và chỉ xuống 270 lúc 8h.
Trong bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số trên 300 có cảnh báo nguy hại, tương đương với mức cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: toàn bộ dân số trong khu vực điểm đo bị ảnh hưởng sức khỏe tới mức nghiêm trọng.
Điểm đo tại Minh Khai (Bắc Từ Liêm) lúc 8h có chỉ số AQI 213; điểm đo trên đường Phạm Văn Đồng 201; điểm đo tại Chi cục Bảo vệ môi trường (Cầu Giấy) là 201. Tất cả các điểm đo khác được Tổng cục Môi trường thông báo đều ghi nhận chỉ số AQI ở mức trên 170, nhiều điểm đo duy trì tình trạng tiệm cận 200 trong nhiều giờ.
Từ 6h đến 7h, hệ thống Pamair cũng ghi nhận chỉ số AQI ở mức cao, điểm đo Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm) 327; điểm đo Đê La Thành (Đống Đa) 326; điểm đo Học viện Tài Chính (Bắc Từ Liêm) là 306.
Lúc 9h, hệ thống đo của Airvisual ghi nhận chỉ số AQI tại khu vực Hồ Tây là 317; tại GreenID (Cầu Giấy) là 245; tại Hàng Đậu 211.
Nhận định sơ bộ nguyên nhân ô nhiễm không khí, Tổng cục Môi trường nêu, từ ngày 4 đến 12/11, thời tiết ở miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao. Khoảng thời gian ghi nhận nồng độ PM2.5 (bụi siêu mịn) tăng cao thường vào nửa đêm và đầu giờ sáng, đây là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa.
Dẫn dự báo thời tiết, Tổng cục Môi trường cho hay ngày 13/11, miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện hơn.
"Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường", Tổng cục Môi trường khuyến cáo.
Theo ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, trong nhiều năm nghiên cứu về chất lượng không khí, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến chỉ số ô nhiễm cao như vậy.
"Với mức ô nhiễm này, tôi cho rằng Hà Nội cần ngay lập tức cảnh báo để người dân có cách bảo vệ sức khỏe của mình", ông Tùng nói và cho rằng nguyên nhân nghịch nhiệt thường dùng để lý giải cho các lần ô nhiễm không khí trước đây, hiện nay không còn hợp lý.
"Có thể một nguồn ô nhiễm lớn đang phát ra ở Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận", ông Tùng nói.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới.
Lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một "chiếc mũ" và dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyển, khiến cho các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí. Quá trình này làm nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao, khiến chất lượng môi trường không khí tại lớp gần bề mặt đất bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.