Theo Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải), các ban quản lý dự án của Bộ đã phát hành 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó có 26 nhà đầu tư trong nước, 14 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hong Kong, Trung Quốc...
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP cho biết, đến ngày 10/7 thời gian bán hồ sơ mời sơ tuyển sẽ kết thúc. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án cao tốc Bắc - Nam.
Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang 100. Năng lực tài chính chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực kinh nghiệm chiếm 30%(30 điểm) và phương pháp triển khai dự án chiếm 10% (10 điểm).
Theo ông Nguyễn Viết Huy, việc đầu tư cao tốc Bắc Nam được rút kinh nghiệm từ các dự án BOT thời gian qua. Nguồn vốn của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng và địa phương chịu trách nhiệm. Các tỉnh, thành đảm bảo giao mặt bằng sạch nên nhà đầu tư có thể yên tâm. Ngoài ra, mức phí cao tốc được đảm bảo trong khung phí và không thay đổi trong nhiều năm.
Tuy nhiên, các vấn đề chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư như bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh doanh thu chưa được Chính phủ thông qua.
Bộ Giao thông Vận tải đã công bố 8 dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.
Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến cao nhất là Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 106 km với hơn 19.600 tỷ đồng (trong đó vốn Nhà nước 8.000 tỷ đồng). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến thấp nhất là Nha Trang - Cam Lâm dài 29 km với 5.130 tỷ đồng (vốn Nhà nước 2.530 tỷ đồng).