Ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết vừa qua chính quyền thủ đô đã nghiên cứu ba phương án làm sạch sông Tô Lịch. Đầu tiên là thu gom tại chỗ tất cả các điểm xả thải, song phương án này không thực hiện được vì dọc bờ sông có quá nhiều điểm xả thải.
Phương án thứ hai của công ty Việt Nhật mà thành phố mời thí điểm dùng công nghệ Nano-Bioreactor. Tuy nhiên, theo ông Dục đánh giá đơn vị này "chưa thành công". Ngoài ra, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng thí điểm dùng hoá chất làm sạch sông Tô Lịch. Tuy nhiên, người đứng đầu Sở Xây dựng không nói đến kết quả việc thí điểm này.
"Hiện chỉ còn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý", ông Dục nói.
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo tiến độ việc xây dựng hệ thống cống thu gom hoàn thành vào năm 2020, nhưng đang chậm tiến độ; dự kiến năm 2021 hệ thống thu gom này sẽ hoàn thành và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.
Việc làm sạch nước sông Tô Lịch và hồ Tây theo công nghệ Nano-Bioreactor được thí điểm từ ngày 16/5. Công nghệ này gồm hai yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.
Sau gần 6 tháng, ngày 10/11, các thiết bị phục vụ thí điểm đã được tháo dỡ. Ở đoạn sông thí điểm, mùi hôi đã giảm, nhưng nước vẫn đen kịt, không khác biệt so với những khu vực khác trên sông Tô Lịch.
Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.
Võ Hải