Gần 100 con cá Koi, cá chép Tam Dương thả trong bể chứa cũng được chuyển về khu thí điểm hồ Tây, nằm trên đường Trích Sài.
Ở đoạn sông thí điểm, mùi hôi đã giảm, nhưng nước vẫn đen kịt, không khác biệt so với những khu vực khác trên sông Tô Lịch.
"Chúng tôi đã hoàn thành quá trình đánh giá sau thời gian duy trì, kiểm chứng tại sông Tô Lịch trong mùa mưa và một tháng mùa khô. Đàn cá Koi và cá chép Việt Nam thả ở đây 2 tháng vẫn sống rất khỏe", tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, nói.
Đơn vị này sẽ duy trì khu thí điểm tại hồ Tây, rộng 1.000 m2 để chứng minh khả năng không tái ô nhiễm.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản, chỉ số nồng độ mùi tại khu thí điểm đã giảm 200 lần, độ dày bùn tầng đáy giảm 31-76 cm. Nếu được chấp thuận đầu tư, chi phí ban đầu áp dụng công nghệ Nano-Bioreator làm sạch toàn bộ sông Tô Lịch dự kiến là gần 1,9 triệu đồng/m3 nước thải.
Sáu tháng trước, thành phố Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Các chuyên gia và công nhân lắp đặt 4 hộp thiết bị xuống đáy sông, với chiều dài 300 m, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy.
Ngoài khu thí điểm dưới lòng sông, các chuyên gia Nhật Bản lắp đặt thêm bốn bể chứa, mỗi bể rộng khoảng 15 m2 để trình diễn tắm và thả cá Koi, cá chép Tam Dương ở bể nước đã qua xử lý.
Tại buổi khảo sát ngày 30/10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng phương pháp xử lý trên đã loại bỏ được một số yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người như vi khuẩn Ecoli, Coliform. Tuy nhiên, thành phần chất thải ở hồ, sông ngòi của Nhật Bản khác với Việt Nam và cần bổ sung công nghệ xử lý chất vô cơ. Giải pháp triệt để xử lý nước thải của Việt Nam là cần thu gom để đưa về nhà máy xử lý.
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889, người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.
Sông Tô Lịch ngày nay dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ, đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.