UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Theo đó, đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 23.327 hộ chăn nuôi, chiếm hơn 30% tổng hộ số, cơ sở chăn nuôi ở thành phố.
Số lợn phải tiêu hủy bình quân mỗi ngày ở Hà Nội là trên 6.600 con. Trong 4 ngày gần đây, số lợn phải tiêu hủy của toàn thành phố lên đến gần 10.000 con mỗi ngày. Cụ thể như, Mỹ Đức có gần 2.300 con phải tiêu hủy, Chương Mỹ là hơn 1.300 con, Ứng Hòa 1.177, Đông Anh 1.563 con...
UBND TP Hà Nội nhận định dịch bệnh vẫn ở mức cao và tiếp tục gia tăng, có chiều hướng xảy ra tại các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Hà Nội có tổng đàn lợn trên 1,9 triệu con, lớn thứ 2 cả nước (sau Đồng Nai). Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện ở Hà Nội là hộ chăn nuôi lợn rừng, sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy (Long Biên) ngày 24/2.
Đến ngày 24/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.401 xã, phường, thị trấn thuộc 459 quận, huyện, thị xã của 60 tỉnh, thành phố; làm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy gần 2,83 triệu con lợn, với tổng trọng lượng 166.105 tấn. Hiện nay chỉ còn 3 tỉnh: Bến Tre, Ninh Thuận và Tây Ninh chưa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch.
Tại Việt Nam, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2.
Tất Định