Đến đầu tháng 6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.682 xã thuộc 357 huyện của 53 tỉnh, thành trên cả nước, khiến hơn 2,2 triệu con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy (gần 130.000 tấn) thiệt hại ước tính 3.600 tỷ đồng.
Ở nhiều tỉnh miền Trung, trong những ngày này, nhiều hộ chăn nuôi lợn gặp khó khăn đầu ra. Nằm trong vùng xuất hiện dịch tả châu Phi, ông Trần Văn Hoan (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) không khỏi lo lắng vì đàn lợn gần 15 con của gia đình đến kỳ xuất bán nhưng chưa có người mua.
Theo ông Hoan, mặc dù ông đã kêu người đến bán lợn giá rẻ, chấp nhận thua lỗ nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ chối. "Giờ chúng tôi đành tiếp tục nuôi và mất thêm chi phí đầu tư, chứ hết cách rồi", ông nói.
Ông Hoan chia sẻ, loại bệnh này không có vắcxin nên người nuôi chỉ có thể theo dõi đàn lợn, nếu có biểu hiện mắc bệnh thì báo cho chính quyền xử lý.
Ông Võ Ngọc Sơn ở xã Đại Minh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là chủ trang trại 4.000 con lợn thịt, 600 con lợn nái và 3.000 lợn con. "Số lợn thịt và lợn con đến kỳ xuất bán. Tôi đã giảm giá lợn thịt xuống 20.000-30.000 đồng mỗi kg để xoay vòng vốn nhưng rất khó tìm đầu ra", ông Sơn nói.
Mỗi ngày, ông Sơn chi hàng chục triệu đồng để duy trì trang trại. "Tôi đã tìm đến các ngân hàng để vay vốn, cầm cự qua đợt dịch bệnh này nhưng không nơi nào chấp nhận", ông cho hay.
Để phòng tránh dịch bệnh lây lan đến trang trại của mình, ông Sơn kiểm soát chặt chẽ việc ra, vào trang trại. Mỗi ngày, ông cho xe cám cung cấp cho trang trại đậu cách xa 2 km, phun hóa chất tiêu độc khử trùng rồi mới lăn bánh vào. Ông cũng cấm người lạ đi vào trang trại lợn của mình. "Cách làm này mất thêm một khoản chi phí và khá phiền phức nhưng cần thiết", ông nói.
Ở miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), nhiều người dân cũng lao đao khi dịch tả lợn xuất hiện tại địa phương. Gia đình bà Hồ Thị Một, xã Trà Dơn nuôi hai con lợn thịt và một con lợn nái vừa đẻ 10 con thì tất cả bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy. "Mất gần một năm nuôi lợn, hy vọng đây là nguồn thu nhập giúp xóa đói giảm nghèo thì dịch lan đến", bà Một chia sẻ.
Tại Hà Tĩnh, đến nay nhà chức trách đã tiêu hủy hàng trăm con lợn nhiễm dịch tả châu Phi ở huyện Cẩm Xuyên và Lộc Hà. Sự cố này khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng khi lợn đến kỳ xuất chuồng song không thể bán giá cao, hoặc phải bù lỗ.
Là hộ chăn nuôi đầu tiên trong tỉnh phát hiện đàn lợn nhiễm bệnh, ông Đặng Văn Đoàn (huyện Cẩm Xuyên) nói, "mấy năm qua liên tục gặp đen vì đàn lợn không nhiễm bệnh này thì dính bệnh nọ".
"Năm 2016 gia đình bắt đầu nuôi, đến năm 2017 thì rớt giá, một năm sau dịch lở mồm long móng, năm nay thì dịch tả bùng phát", ông Đoàn cho hay.
Vừa qua, ông Đoàn phải tiêu hủy 55 con lợn nái và lợn thịt, tổng trọng lượng hơn 2 tấn, thiệt hại gần 100 triệu đồng. "Nợ của năm ngoái chưa trả hết, năm nay lại chồng chất, sắp tới chắc phải vay thêm tiền ngân hàng để nuôi lứa mới, gỡ gạc vụ sau", ông Đoàn nói.
Cũng giống ông Đoàn, gia đình ông Minh ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà) phải tiêu hủy hàng chục con lợn nhiễm dịch. Người đàn ông lam lũ cho hay đến thời điểm này vẫn "chưa hết sốc" khi nguồn thu nhập chính của gia đình tiêu tan theo đàn lợn.
"Lợn bị tiêu hủy trong khi tôi còn nợ tiền thức ăn gia súc tại đại lý, giờ họ giục trả, không biết xoay đâu ra tiền", ông Minh nói.
Nhiều hợp tác xã nuôi lợn ở huyện Thạch Hà chưa có lợn nhiễm dịch, song chủ nuôi lo lắng, mất ăn mất ngủ từng ngày để phòng dịch và tìm kiếm đầu ra. Trang trại của ông Phương (xã Thạch Tân) có hơn 500 con lợn đến độ xuất chuồng, tuy nhiên dịch tả khiến giá lợn tuột dốc không phanh.
"Bình thường giá 40.000 đồng một kg lợn hơi, nay rớt giá còn 28.000 đồng. Nếu để lâu, lợn dính dịch bệnh thì còn thiệt hại lớn hơn", ông Phương thông tin.
Để trấn an người chăn nuôi, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ 26.600 đồng một kg lợn nhiễm dịch. Tuy nhiên, theo ông Phương, người dân vẫn lo lắng khi bắt tay vào tái đàn, bởi dịch tả châu Phi chưa được dập tắt triệt để.
Đắc Thành - Đức Hùng