Số ca Covid-19 trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng cao những ngày gần đây. Riêng ngày 4/12, thành phố ghi nhận 628 ca dương tính, trong đó 190 ca tại cộng đồng, 338 ca tại khu cách ly và 100 ca tại khu phong tỏa. Đây là số ca mắc mới trong một ngày cao nhất trên địa bàn thành phố từ tháng 3/2020 đến nay.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, diễn biến số ca bệnh tăng cao là điều thành phố đã lường trước trong bối cảnh mở cửa, thực hiện chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt".
"Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án, kịch bản cụ thể để luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch, tránh bị động, bất ngờ", bà Hà nói, cho hay thành phố đã chỉ đạo lực lượng y tế các tuyến kiên định với phương châm: Điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch; xét nghiệm để sớm phát hiện ca F0 trong cộng đồng và điều trị sớm cho người bệnh.
Chính quyền thủ đô phân các tầng điều trị F0 với tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.
Trong kịch bản ứng phó đã được xây dựng, nếu thành phố ghi nhận 10.000 ca nhiễm, tầng một tăng lên 9.200 giường; tầng 2 có 600 giường; tầng 3 là 200 giường; với kịch bản 40.000 ca nhiễm, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800.
Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng một (22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã); 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.
Ở giai đoạn trước, Hà Nội chủ yếu cách ly tập trung F1 và điều trị F0 tại các cơ sở y tế của thành phố, trung ương. Song giai đoạn hiện nay, Hà Nội đã chuyển hướng, cho phép F1 và F0 thể nhẹ, không triệu chứng đủ điều kiện được cách ly và tự điều trị tại nhà.
Quy định cơ sở vật chất để cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà cơ bản giống nhau. Qua rà soát bước đầu có khoảng 780.000 hộ gia đình đủ điều kiện cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Mỗi F0 điều trị tại nhà sẽ cài App để mỗi ngày hai lần điền thông tin chỉ số sức khỏe bản thân; phần mềm được kết nối với trung tâm điều hành để nhân viên y tế theo dõi, kịp thời chuyển tầng điều trị nếu F0 có dấu hiệu bất thường.
Các tổ covid cộng đồng, tổ chức đoàn thể như thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ... cùng theo dõi, giám sát F0 tại nhà qua hệ thống công nghệ thông tin.
Những trường hợp F0 thể nhẹ song không đủ điều kiện điều trị tại nhà, sẽ được chuyển đến tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động ở xã, phường, thị trấn. Các xã, phường, thị trấn được yêu cầu thiết lập bình quân mỗi đơn vị một trạm y tế lưu động có ít nhất 150 giường bệnh. Toàn thành phố với 579 đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn, tổng số giường bệnh hơn 86.000.
Ngoài ra, trong tình huống dịch diễn biến phức tạp, thành phố lên phương án huy động hệ thống y tế tư nhân, bác sĩ nghỉ hưu, học sinh sinh viên ngành y và cả nhân lực các bệnh viện Trung ương tham gia chống dịch.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; tiếp tục kế hoạch tiêm cho trẻ em theo lộ trình hạ dần độ tuổi; tổ chức tiêm lưu động, tiếp cận các nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, bệnh nền, khó di chuyển.
Cơ quan chức năng kiểm tra biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực nguy cơ cao, như: Các khu dân cư mật độ đông, sử dụng chung nhà tắm, nhà vệ sinh; chợ dân sinh; trung tâm thương mại; nhà hàng ăn uống, bến tàu bến xe, tàu điện trên cao, các cơ sở khám chữa bệnh...
Công an thành phố kiểm soát chặt biến động dân cư, nắm chắc tình hình người dân ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp.
"Thành phố luôn xác định phương châm sức khoẻ của người dân là trước hết và trên hết nên đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả các phương án cần thiết" Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nói, nhấn mạnh việc thực hiện kịch bản nào phụ thuộc vào tình huống cụ thể để đem lại kết quả tốt nhất.
Hiện, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine ở Hà Nội trên 94% (đạt hơn 70% tổng dân số); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine khoảng 82%. Hơn 92% trẻ từ 15-17 tuổi đã được tiêm vaccine, độ tuổi từ 12 đến 14 khoảng 40%.
Võ Hải