Thủ tướng vừa ban hành nghị định 128 sửa đổi, quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Điểm mới của nghị định là quy định phòng học lái xe phải được trang bị phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy như băng đĩa, đèn chiếu; có hình hoặc tranh vẽ mô tả các thao tác lái xe cơ bản như điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng; có xe được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng và có thiết bị mô phòng để đào tạo lái xe...
Ngoài ra, cơ sở đào tạo lái xe ôtô phải có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, thực hành đáp ứng tiêu chuẩn quy định; có ít nhất một giáo viên dạy thực hành lái xe trên một xe tập lái.
Tiêu chuẩn chung giáo viên dạy lái xe cũng được sửa đổi như phải đáp ứng tiêu chuẩn với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp về giáo dục nghề nghiệp. Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ôtô, công nghệ kỹ thuật ôtô, lắp ráp ôtô...
Giáo viên dạy thực hành lái xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo. Đồng thời, giáo viên phải được qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe.
Tại cuộc họp Bộ Giao thông mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ siết chặt các quy định đào tạo, sát hạch lái xe. Ông Thể cho rằng, tại Việt Nam, mỗi xe có đến 4 - 5 người cùng học nên dù quy định 34 giờ thực hành thì thực tế thời gian học viên ngồi trên xe nhiều hơn cầm vô lăng. Do đó, ông băn khoăn học viên được cấp bằng nhưng khó có thể lái được tất cả các địa hình, khu đông dân cư.
Ông yêu cầu đơn vị chức năng rà soát lại nội dung đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành, bổ sung vào chương trình các loại công trình được xây dựng nhiều trong thời gian gần đây như cao tốc, hầm đường bộ, cầu vượt có khẩu độ lớn... Các trung tâm sát hạch cần ứng dụng công nghệ để quản lý thời gian học thực hành trong sa hình và trên đường trường của từng học viên.