- Bộ Giao thông vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, trong khi đến năm 2018 thì Bộ mới trình dự án đường sắt cao tốc. Vì sao đường bộ cao tốc được chọn làm trước, thưa ông?
- Với đặc điểm địa hình Việt Nam dài và hẹp, việc ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc hay đường sắt cao tốc hoàn toàn phù hợp, nhưng đường sắt suất đầu tư cao, đòi hỏi phải đồng bộ toàn tuyến mới đem lại hiệu quả, còn đường bộ cao tốc đầu tư theo từng đoạn tuyến, khai thác được ngay.
Những năm qua, quốc lộ 1 Hà Nội - Cần Thơ đã được cải tạo, mở rộng với quy mô bốn làn xe, đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt. Tuy nhiên, do đặc thù ở Việt Nam, giao thông trên quốc lộ 1 là hỗn hợp, dân cư sinh sống dọc hai bên, tốc độ khai thác thấp. Trong khi đó, với sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện, áp lực giao thông ngày càng lớn và hiện quốc lộ 1 không thể nâng cấp mở rộng được nữa, bởi sẽ ảnh hưởng đến dân sinh, khối lượng giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư lớn và hiệu quả không cao.
Bên cạnh cao tốc Bắc Nam, Bộ Giao thông vẫn đầu tư các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường sông, đường biển. Đề án tái cơ cấu ngành được Thủ tướng phê duyệt đã đề xuất các giải pháp nhằm từng bước giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các loại hình vận tải khác. Tôi cho rằng, việc đầu tư các tuyến cao tốc là bước đi đúng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với chiến lược được Thủ tướng phê duyệt.
- Đến nay, quá trình chuẩn bị dự án cao tốc Bắc Nam được thực hiện ra sao?
- Các dự án trên tuyến cao tốc Bắc Nam có vốn đầu tư rất lớn, nếu chỉ thu phí phương tiện sẽ không thể hoàn vốn đầu tư, để dự án khả thi về mặt tài chính, bắt buộc phải có phần hỗ trợ của Nhà nước. Đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo khả năng thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Vì vậy, Bộ Giao thông đã kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 bao gồm: trái phiếu Chính phủ, vốn vay ưu đãi nước ngoài, ngân sách nhà nước tham gia như là phần vốn góp để đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Theo lộ trình, tổng nhu cầu vốn từ ngân sách, trái phiếu... để đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam đến năm 2020 cần khoảng 74.600 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2022 cần khoảng 18.800 tỷ đồng. Với chiều dài 1.376 km, tuyến cao tốc này được chia thành 20 dự án thành phần để kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP).
Về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ cho biết dành hơn 40.000 tỷ đồng (đợt 1) để phục vụ đối ứng cho dự án. Bộ Giao thông cũng đang xây dựng và trình Thủ tướng các cơ chế, chính sách cho dự án cao tốc Bắc Nam.
- Bộ có cơ chế nào để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước?
- Đối với dự án này, Bộ Giao thông đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản toàn tuyến vào năm 2021. Trong đó, một số đoạn tuyến quan trọng dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2018 như Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh, Dầu Giây - Phan Thiết, Quảng Ngãi - Quy Nhơn…
Chúng tôi đang xây dựng cơ chế quản lý dự án này, đồng bộ từ chủ trương giải phóng mặt bằng đến lập dự án đầu tư, yêu cầu thực hiện trong thời gian ngắn nhất. Tôi tin tưởng sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn vào dự án cao tốc Bắc Nam.
Vấn đề đáng lo ngại nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cần nhiều thời gian. Với nhà đầu tư nước ngoài thì chúng ta sẽ phải giao mặt bằng sạch.
- Nhiều chuyên gia giao thông lo ngại cao tốc Bắc Nam sẽ vắng xe đi lại do mức phí cao, ông nghĩ sao?
- Sau khi hình thành, tôi tin tưởng tuyến đường sẽ đem lại hiệu quả rất lớn đối với phát triển kinh tế của hành lang Bắc Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Tuyến đường sẽ tạo ra dịch vụ giao thông có tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác, đem lại hiệu quả, tiện lợi và an toàn cho các chủ phương tiện. Đồng thời, sẽ góp phần trực tiếp phát triển du lịch, thương mại của các địa phương nằm trong khu vực dự án đi qua.
Chúng ta có thể nhìn tuyến cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình... lưu lượng phương tiện gia tăng hàng năm. Do đó, tôi không lo ngại cao tốc Bắc Nam sẽ vắng phương tiện đi lại.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Bộ đặt mục tiêu đến năm 2020, hệ thống giao thông vận tải phải cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội, bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý, giảm tai nạn. Giao thương thuận lợi hơn sẽ giúp kinh tế tăng trưởng. |
Đoàn Loan