Ngày 21/2, tại Khánh Hòa, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với 13 tỉnh từ Nam Định đến Vĩnh Long để triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Báo cáo với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho hay, để thực hiện cao tốc Bắc - Nam, đầu tiên cần phải giải quyết được những khó khăn trong triển khai giải phóng mặt bằng và công tác bồi thường.
Tuyến cao tốc chạy qua 13 tỉnh với khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn với tổng kinh phí khoảng 12.400 tỷ đồng. Dự kiến, hơn 4.800 hecta đất được thu hồi, gần 4.000 hộ dân và nhiều công trình xã hội khác phải di dời.
Theo Bộ Giao thông, bước đầu đã hoàn thành phê duyệt 11/11 dự án xây cao tốc Bắc - Nam phía Đông cùng dự toán chi phí khảo sát. Ngoài ra, công tác khảo sát thiết kế, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cùng mốc lộ giới các dự án được thực hiện, dự kiến hoàn thành vào quý 1-2 năm nay.
Trong đó, đã có 10/11 địa phương thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng. Riêng dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua Bình thuận và Đồng Nai, tỉnh đang yêu cầu các huyện hoàn thiện thủ tục điều chỉnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh khẳng định sẽ tập trung giải phóng mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, do có nhiều hộ dân phải di dời, các bộ ngành cần sớm bố trí vốn để giải quyết. Ngoài ra, Ban quản lý dự án cần bàn giao cọc giải phóng mặt bằng sớm hơn so với kế hoạch để địa phương có kế hoạch triển khai.
Sau khi nghe báo cáo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, cao tốc Bắc - Nam là dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội nên cần hoàn thành sớm và đạt chất lượng.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp các địa phương cùng đơn vị quản lý kiểm tra thường xuyên công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, không để ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
"Bộ Giao thông phải công khai, minh bạch và thông tin về dự án, nhất là phân bổ vốn để giải phóng mặt bằng hoàn thành trước quý 2/2019", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Giai đoạn 2017-2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần với các đoạn từ Nam Định đến Vĩnh Long, với tổng vốn đầu gần 119.000 tỷ đồng. Trong đó có ba dự án sử dụng vốn ngân sách và 8 dự án huy động vốn xã hội.
Dự kiến, tổng mức đầu tư 8 dự án hơn 100.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư Nhà nước hơn 40.000 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư. Quốc hội đã yêu cầu các dự án cơ bản hoàn thành năm 2021.
Xuân Ngọc