Cuối tháng 3, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký ban hành "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn". Tổng hợp đề xuất của 15 quận, huyện, thị xã kèm theo quyết định này đưa ra danh sách gần 300 tuyến đường nằm trong khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố, với 3 loại vật liệu là: Đá tự nhiên; gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; gạch block.
Các quận được yêu cầu chịu trách nhiệm lựa chọn chủng loại vật liệu lát hè đối với dự án trên địa bàn, đảm bảo rõ xuất xứ, cường độ, màu sắc bền theo thời gian và đồng bộ về mỹ quan đô thị.
Sau hơn một năm Hà Nội tạm dừng cải tạo vỉa hè (cuối năm 2017), quyết định trên là cơ sở để chính quyền cấp quận tái khởi động việc này. Những ngày gần đây, một số tuyến phố trong danh sách đề xuất đã bị đào xới để thi công, như đường Trương Công Giai (quận Cầu Giấy); đường Trích Sài (quận Tây Hồ); trên đường Tô Hiệu (quận Hà Đông), vật liệu cũng đã tập kết sẵn sàng...
Tại đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy), đoạn vỉa hè hơn một km trở thành công trường ngổn ngang đất đá, máy xúc được huy động đào vỉa hè cũ sâu xuống hơn một mét để hạ ngầm đường dây điện; sau đó, các nhóm công nhân chia nhau lát gạch mới cho từng đoạn.
"Hạ ngầm dây điện xong chúng tôi lấp đất, cát và đổ bê tông lên trên trước khi lát vỉa hè. Vật liệu được sử dụng là gạch bê tông vân đá có kích thước 40x40 cm", một công nhân cho hay.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy nói, gạch bê tông vân đá là vật liệu dễ thi công, thuận tiện khi thay thế nếu cần và giá thành rẻ hơn đá tự nhiên.
Ngoài các phố trên, quận Cầu Giấy cũng lên kế hoạch cải tạo hạ tầng tại nhiều tuyến đường khác, như: Duy Tân, Trần Thái Tông, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Khánh Toàn, Tôn Thất Thuyết, Trần Quốc Hoàn, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Huyên, Dương Khuê.
Theo quyết định của thành phố, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ triển khai làm mới vỉa hè những tuyến phố đã xuống cấp, chất lượng không đảm bảo và đã đầu tư đồng bộ, ổn định hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng...); các trường hợp còn lại tiến hành chỉnh trang để tránh lãng phí.
Trong số những khu vực được đề xuất cải tạo, chỉnh trang hè phố, quan sát cho thấy vỉa hè ở Cát Linh, Hoàng Cầu, Yên Lãng, Văn Cao, Liễu Giai đã xuất hiện nhiều đoạn bong tróc do quá trình thi công đường sắt trên cao và một số công trình xây dựng.
Tuy nhiên, vỉa hè nhiều tuyến phố khác như Kim Mã, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Diệu (quận Ba Đình), Văn Miếu, Quốc Tử Giám (quận Đống Đa)... gạch lát vẫn giữ được độ phẳng, chưa có dấu hiệu xuống cấp.
Trước đó từ cuối năm 2016, nhiều quận nội thành Hà Nội đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm; trong đó tuyến phố đầu tiên là Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), rồi tới Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng..., song mặt đá lát sau vài tháng đã bong tróc, gãy nát nhiều vị trí.
Một năm sau, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo tạm dừng thực hiện các dự án đang chuẩn bị đầu tư, cải tạo vỉa hè để rà soát, trường hợp đủ điều kiện mới tiến hành. Ông cũng giao cơ quan chức năng thành phố kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan và công khai kết quả thanh tra.
Thông báo kết luận Thanh tra thành phố đưa ra vào tháng 2/2018 nêu, trong thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất dẫn đến các dự án sử dụng kích thước đá khác nhau, ảnh hưởng chất lượng; thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công, nghiệm thu các kết cấu hè có lát đá; một số mẫu đá lát hè không đảm bảo theo thiết kế là 40 cm.
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, hơn 100 tuyến phố được đề xuất lát hè bằng đá tự nhiên như: Chu Văn An; Nguyễn Cảnh Chân; Hoàng Văn Thụ; Tây Sơn, Trích Sài, Quảng Bá, Nguyễn Đình Thi...
Khoảng 170 tuyến phố lát hè bằng gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá, gồm: Lê Trực; Ngọc Khánh; Vạn Bảo; Đốc Ngữ; Hồ Đắc Di; Nam Đồng; Phương Mai...
19 tuyến phố được đề xuất lát hè bằng vật liệu gạch block, trong đó có Hoàng Ngọc Phách, Nguyên Hồng, Đoàn Thị Điểm, Bích Câu...