Ngày 4/10, thống kê của Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Quảng Bình cho thấy, thiệt hại do bão Wutip lên tới 11.000 tỷ đồng. Trong đó, Quảng Bình thiệt hại hơn lớn nhất với 8.000 tỷ; Nghệ An dù không nằm trong vùng bão Wutip càn quyét mạnh, nhưng vỡ đập hồ chứa và xả lũ gây ngập cũng khiến Nghệ An thiệt hại gần 1.300 tỷ.
Tại Thanh Hóa, vùng thiệt hại nặng nề nhất là Tĩnh Gia, ước tính 135 tỷ đồng do đập Đồng Đáng và Thung Cối bị vỡ. Hàng nghìn ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản, hơn 1.000 ngôi nhà... bị nhấn chìm, nhiều tài sản bị cuốn trôi làm hàng trăm hộ dân lâm cảnh trắng tay.
Ngày 4/10, Thanh Hóa hết mưa, nước lũ đã rút. Hơn 1.000 hộ dân bị ngập ở vùng rốn lũ huyện Tĩnh Gia đã trở về dọn dẹp nhà cửa sau những ngày sơ tán. Tuy nhiên, đời sống của bà con vùng lũ vẫn ngổn ngang khó khăn.
Bà Lê Thị Mẫn (68 tuổi, xã Tân Trường) cho biết, gia đình gần như mất sạch, tài sản không còn gì đáng giá ngoài hai chiếc giường, bộ bàn ghế nhựa. Vài tạ thóc dự trữ bị ngập bùn đất. “Nước ập xuống nhanh quá, chẳng kịp mang gì. Gia đình tôi không biết sẽ bấu víu vào đâu”, bà Mẫn nói.
Học sinh vùng rốn lũ Tĩnh Gia vừa trở lại trường nhưng hầu hết sách vở, đồ dùng học tập đã bị cuốn trôi hoặc hư hỏng không thể sử dụng. Trong buổi đến trường đầu tiên, nhiều em chỉ mang theo cuốn vở bố mẹ mua vội ở cửa hàng tạp hóa.
Do lượng mưa lớn, vượt qua khả năng tích nước, nên Nghệ An đã xả 5 cửa hồ Vực Mấu khiến người dân thị xã Hoàng Mai lâm vào tình cảnh tương tự. Trong số gần 1.300 tỷ đồng thiệt hại của Nghệ An sau cơn bão Wutip, thì hậu quả do xả lũ lên tới 800 tỷ đồng, khoảng 20.000 hộ dân bị ngập lụt suốt 27 giờ.
Chiều 2/10, nước đã rút nhưng nhiều vật dụng của người dân đều bị cuốn trôi. Chỉ trong phút chốc, chị Nguyễn Thị Huyền (vợ anh Lê Văn Hào) ở phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai đã bị nước cuốn, để lại hai đứa con 5 và 13 tuổi.
Được người dân ném cho chiếc phao cứu sinh, anh Hào may mắn sống sót. "Giờ vợ mất, hai con thì nhỏ, không biết thời gian tới cha con tui sống răng đây. Lũ rút rồi, tui thành gà trống nuôi con", anh Hào ngậm ngùi.
Tại Quảng Nam, xả lũ thủy điện đã làm 8 xã của huyện Bắc Trà My bị cô lập, một thanh niên 22 tuổi đang dắt trâu bò đi tránh lũ thì bị nước cuốn trôi, chưa tìm thấy thi thể. Hiện, 6 trên tổng số 21 hồ thủy điện lớn ở miền Trung - Tây Nguyên gần đầy và xả tràn ở mức cao, như Đắk Mi 4A (Quảng Nam) xả tràn 898 m3/s; Sông Ba Hạ (Phú Yên) xả 4.200 m3/s; Sê San 4 và Se San 4A (Gia Lai) lần lượt xả tràn 1.822 và 1.968 m3/s.
Liên quan đến vấn đề thủy điện, tại buổi đối thoại do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam và Hội liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Quảng Nam tổ chức hôm tại Hội An, bà Phan Thị Qua (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cho biết, từ khi người dân nhường đất để xây dựng các dự án thủy điện thì ngoài việc mất đất sản xuất, trồng cây lâm nghiệp, họ bị thất nghiệp và cuộc sống "hóa" nghèo.
Bà Trần Thị Kim Hoa (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho hay, những người sống ở vùng hạ lưu sông Vu Gia đã thấm nỗi khổ từ thủy điện. "Trước khi xây dựng thủy điện, lũ về mang theo phù sa còn giờ mang theo cát bồi. Mùa hè thì dòng nước cạn kiệt. Cứ nghe tin có bão là dân lại thót tim với nỗi lo thủy điện xã lũ, vỡ đập...", bà nói.
Tại các địa phương khác ở miền Trung bị thiệt hại do ảnh hưởng bão số 10 đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống nhân dân, tổng hợp thống kê thiệt hại; đồng thời chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ tiếp theo.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, số người chết vì bão Wutip là 12 người; 2 người mất tích và 225 người bị thương. Siêu bão cũng khiến 193.702 nhà bị tốc mãi, hư hỏng: 30.118 nhà bị ngập và 528 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Bên cạnh đó, hàng nghìn hec-ta hoa màu bị ngập, đổ. Nhiều cột ăng-ten phát sóng, cột điện trung và cao thế bị đổ. Về giao thông, báo cáo cho biết, có 365.372m3 đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp; 25.761m đường giao thông bị sạt lở, hư hại. Hiện đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến quốc lộ qua các tỉnh cơ bản đã thông xe; một số tuyến tỉnh lộ còn bị ngập, hư hỏng cục bộ đang được khẩn trương khắc phục và phân luồng giao thông. |
Nhóm phóng viên