Trả lời báo chí chiều 25/9, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án đường sắt Cát Linh còn khoảng 1% hạng mục cần xây dựng phần lớn là hoàn thiện mỹ quan, song để hoàn thành là không đơn giản và mất nhiều thời gian.
Nguyên nhân chính của việc chậm trễ này là do tổng thầu EPC Trung Quốc chưa đưa về dự án những xe cẩu, xe tải, xe công vụ kèm dụng cụ chuyên dụng để thi công, lắp đặt các thiết bị còn thiếu.
Tổng thầu Trung Quốc cũng chưa thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển như một số máy móc phụ trợ của hạng mục thông tin, bán vé tự động, máy móc dụng cụ cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đoàn tàu.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đông cũng cho biết, Tổng thầu chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu của nhiều hạng mục dự án để phía Việt Nam nghiệm thu. Đây là lý do chính khiến dự án chưa thể khai thác thương mại.
Trước câu hỏi Bộ Giao thông Vận tải có tính đến việc khởi kiện Tổng thầu Trung Quốc vì chậm trễ tiến độ dự án hay không, Thứ trưởng Đông cho biết, Bộ chưa xem xét việc này vì một phần nguyên nhân dẫn đến chậm trễ do công tác giải phóng mặt bằng của Hà Nội. Năm 2014, Tổng thầu Trung Quốc mới tiếp nhận mặt bằng để thi công trong khi đáng lẽ họ phải được bàn giao trước đó vài năm.
"Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng thầu khẩn trương, tập trung thực hiện với yêu cầu chất lượng, an toàn là trên hết, không thể làm vội mà để xảy ra sai sót, đặc biệt là các thử nghiệm, đánh giá an toàn đoàn tàu, hệ thống điều khiển chạy tàu tự động", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Phía Tổng thầu Trung Quốc cũng xác nhận, công trình chưa được khai thác theo kế hoạch do một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục cũng như toàn bộ dự án. Nguyên nhân chính là do khác biệt trong quy trình, thủ tục nghiệm thu giữa hai nước.
Hiện nay dự án đang được liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc (Pháp) đánh giá chất lượng, an toàn và được Cục Đăng kiểm kiểm tra an toàn kỹ thuật. Sau đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối trước khi chính thức đưa vào khai thác.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được triển khai từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được khai thác thương mại.
Tại phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, trước ngày 30/9 phải báo cáo Chính phủ về tiến độ chạy thử và vận hành; chủ động xử lý dứt điểm hoặc đề xuất cấp trên xử lý (nếu vượt thẩm quyền) với dự án, không để tình trạng chậm trễ tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.