Thay mặt nhà đầu tư BOT, ngày 7/7, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam gửi kiến nghị phản đối Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) khi cơ quan này ra thông báo dừng 4 trạm BOT do chậm ký hợp đồng thu phí không dừng.
Theo ông Đặng Văn Đại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội, tổ chức này không đồng tình với cách thu phí không dừng hiện nay của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) và việc ấn định phần trăm doanh thu phải trích lại từ doanh thu dự án BOT cho đơn vị vận hành ETC có bất cập.
Các hợp đồng dự án BOT được ký kết giữa Bộ Giao thông Vận tải, doanh nghiệp dự án; còn hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp của dự án BOT được ký giữa doanh nghiệp dự án và ngân hàng cấp tín dụng. Vì vậy, khi điều chỉnh hợp đồng dự án BOT sẽ ảnh hưởng đến các bên. Khi trích lại 2% doanh thu của phần ETC cho nhà cung cấp dịch vụ cũng ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.
Đặc biệt, doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng thế chấp quyền tài sản (bao gồm quyền thu phí và toàn bộ nguồn thu từ các trạm thu phí, tài sản, thiết bị...) cho ngân hàng cấp tín dụng. Do đó, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu bàn giao trạm thu phí cho đơn vị thu phí ETC vận hành sẽ ảnh hưởng đến quyền quản lý trạm của doanh nghiệp dự án.
"Việc ký phụ lục hợp đồng sẽ đẩy doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư vào việc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng, phải gánh chịu chế tài xử phạt, bồi thường thiệt hại", văn bản của Hiệp hội nêu.
Cũng theo Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, việc doanh thu của trạm thu phí được chuyển vào tài khoản của ngân hàng tài trợ cho dự án ETC trước khi chuyển về tài khoản của ngân hàng cho vay dự án BOT là vi phạm thỏa thuận của hợp đồng tín dụng, gây rủi ro đối với việc quản lý dòng tiền hoàn vốn của dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, Chính phủ quy định trích doanh thu từ 2 đến 4,5% thu phí ETC của các trạm BOT để hoàn vốn cho đơn vị cung cấp thiết bị thu phí không dừng. Tỷ lệ này đã được các bộ ngành thẩm định theo dự án của đơn vị cung cấp thiết bị.
So với phương án tài chính trước đây, việc trích doanh thu trên làm tăng thời gian thu phí của dự án chỉ từ 2 ngày đến 2 tháng và doanh nghiệp dự án được điều chỉnh phương án tài chính. Người dân sẽ trả thêm phần phát sinh này chứ doanh nghiệp dự án không phải bỏ ra.
Ông Huyện cho rằng, việc phản ứng của doanh nghiệp là do muốn điều chỉnh phương án tài chính trước khi ký điều chỉnh hợp đồng, còn quan điểm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là phải ký phụ lục hợp đồng trước.
Về ảnh hưởng tài sản thế chấp của trạm thu phí, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, các tài sản trạm thu phí vẫn thuộc doanh nghiệp dự án, đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ sử dụng thêm phần điện để vận hành máy móc. Doanh thu của trạm được chuyển về ngân hàng tài trợ cho dự án ETC để giám sát và ngân hàng này chuyển cho doanh nghiệp dự án trước 9h hôm sau. Doanh thu tại các trạm BOT hiện khoảng 2-3 tỷ đồng mỗi ngày không phải là nhiều.
"Chúng tôi kiên quyết dừng thu phí nếu các doanh nghiệp BOT không ký hợp đồng điều chỉnh. 3 năm vừa qua là quãng thời gian dài cho doanh nghiệp chuẩn bị", ông Huyện nói.
Ngày 8/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có cuộc họp với 4 nhà đầu tư chưa ký hợp đồng với nhà cung cấp ETC. Đây là 4 trong 44 doanh nghiệp BOT chưa ký kết hợp đồng thu phí không dừng giai đoạn 1.
Ngày 5/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo dừng thu phí sử dụng đường bộ kể từ 18h ngày 10/7 nếu doanh nghiệp không ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng. Đó là các trạm thu phí quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp; Bắc Hải Vân thuộc dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng; Cam Thịnh thuộc dự án mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa; hai trạm thu phí tại Km1610+800 và Km1667+470 thuộc dự án mở rộng quốc lộ 14 đoạn qua TP Pleiku.