Tại hội nghị toàn quốc về an toàn giao thông ngày 24/4, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các đơn vị nghiên cứu việc bắt buộc người vi phạm nồng độ cồn lao động công ích.
Ông Uông Việt Dũng, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay, việc phạt lao động công ích còn mới ở Việt Nam nhưng nhiều nước đã áp dụng từ lâu. Tài xế vượt đèn đỏ, uống rượu say lái xe sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm, bao gồm phải đi lao động công ích như nhặt cỏ, chăm sóc người già, đến các trung tâm bảo trợ xã hội để làm việc... "Đây là điều Việt Nam nên áp dụng", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, để hiện thực hóa nội dung trên, Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, bao gồm việc làm rõ khái niệm thế nào là lao động công ích. "Một số việc lao động công ích dọn vệ sinh, chăm sóc người già... tưởng đơn giản, nhưng cần có chuyên môn nhất định, không phải vào làm được ngay nên khi áp dụng quy định thì cần có hướng dẫn cụ thể", ông Dũng nói.
Đại diện Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh bên cạnh việc tăng mức xử phạt, áp dụng lao động công ích..., thời gian tới cấp có thẩm quyền cần xem xét sửa luật theo hướng hình sự hóa tài xế vi phạm nồng độ cồn. "Nên quy định tài xế vi phạm nồng độ cồn, không còn tỉnh táo mà vẫn lái xe thì dù chưa gây ra hậu quả vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự", ông nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên tổ trưởng tổ xử lý vi phạm, Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Hà Nội) từng đến Trung Quốc học tập kinh nghiệm xử phạt vi phạm giao thông. "Cách đây cả chục năm, Trung Quốc đã phạt tài xế mặc loại áo riêng ra đứng ở nơi đã vi phạm để điều khiển giao thông, thậm chí là đứng dưới nắng để mọi người nhìn vào", ông nói.
Việc phạt lao động công ích ở Trung Quốc là không có ngoại lệ, kể cả quan chức vi phạm giao thông cũng phải "ra đứng đường". Nước này cho phép tài xế có lý do chính đáng không lao động công ích được thì bỏ tiền ra thuê người khác làm thay với giá thuê rất cao. "Đây là hình thức xử phạt cần thiết và văn minh, khiến người vi phạm thấy xấu hổ và không tái phạm", ông Quỹ nói.
Cũng theo ông Quỹ, Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, bổ sung sớm việc tăng nặng hình phạt với những trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn trên mức 0,4 mg/lít khí thở (mức cao nhất hiện nay). Vì với mức vi phạm này, tài xế sẽ không tỉnh táo, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước các đề xuất trên, ngày 26/4, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 46 cho hay nội dung này đang trong quá trình dự thảo nên cơ quan chuyên môn sẽ nghiên cứu, hiện "chưa có thông tin cụ thể".
Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, trong quý I/2019, lực lượng chức năng toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó có 814 tài xế ôtô.