Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thay thế cho thông tư 49 về hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã sử dụng tên "trạm thu giá" để thay cho tên gọi "trạm thu phí" để phù hợp với Luật giá và lệ phí đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, sau khi bị nhiều ý kiến dư luận phản đối vì cụm từ "trạm thu giá" không có nghĩa, Bộ đã quyết định đổi lại thành "trạm thu phí" như cũ, và nay lại đề xuất là "trạm thu tiền".
Theo dự thảo mới, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông. Tài sản của trạm gồm nhà điều hành, nhà bán vé, cổng soát vé, thiết bị kiểm soát, điện chiếu sáng, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống thiết bị giám sát và các công trình phụ trợ...
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của đơn vị thu tiền là bảo trì công trình, tổ chức giao thông an toàn, thông suốt. Đơn vị này phải phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương giữ gìn an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông. Đặc biệt, đơn vị thu không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý các hành vi gian lận như không mua vé, sử dụng vé giả, quay vòng vé, vé không đúng chủng loại...
Trong quá trình thu, các thông tin của dự án đường bộ phải được công khai trên biển báo điện tử tại nhà điều hành trạm bao gồm tên dự án, giá trị công trình dự án, tổng thời gian được thu tiền, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, số điện thoại đường dây nóng...
Dự thảo cũng quy định về công khai thông tin, chế độ báo cáo, lấy ý kiến người dân, cơ quan quản lý, địa phương về vị trí đặt trạm thu phí; quy định phạt do các lỗi của nhà đầu tư; quy định về dừng thu phí do việc bảo trì dự án chưa đảm bảo.