Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa IX ngày 10/7 đã thảo luận về tình hình kinh tế tại địa phương. Sáu tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức tăng 7,24% cùng kỳ năm trước, xếp thứ ba trong 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đại biểu Lê Xuân Hòa (Phó trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố) cho rằng tốc độ phát triển kinh tế chậm lại có phần ảnh hưởng từ kết luận sai phạm đất đai 2852 được Thanh tra Chính phủ công bố cuối năm 2012. Đến nay, thành phố đã thực hiện xong 3/5 nội dung của kết luận, thu 44% tiền về ngân sách, điều chỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng thời hạn đạt 25%.
Ông Hòa nói Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhưng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, tiến độ dự án cũng như dòng vốn. "Việc thực hiện kết luận 2852 phải phù hợp với quy định của pháp luật cũng cần xét tới yếu tố thực tế, lịch sử phát triển của Đà Nẵng", ông Hòa kiến nghị.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn cũng cho biết quá trình thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ đã làm phát sinh vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ trong thực thi công vụ. Điều này cũng tác động đến các chỉ tiêu kinh tế của thành phố.
Đề nghị ngân hàng khoanh nợ cho hai nhà máy thép
Trong phiên chất vấn buổi chiều, đại biểu Trần Tuấn Lợi đặt câu hỏi thành phố sẽ giải quyết như thế nào trong thời gian tới đối với hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc?
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố, cho biết lãnh đạo thành phố hơn 10 năm trước đã cho phép hai nhà máy này vào cụm công nghiệp Thanh Vinh, không phù hợp ngành nghề, không đảm bảo quy chuẩn cách ly với khu dân cư. Nhà máy Dana Ý đã có đơn kiện UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND thành phố về các quyết định hành chính.
UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để tham gia tố tụng hành chính theo quy định.
Để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, UBND TP Đà Nẵng đã chủ động đối thoại với hai nhà máy, trong đó chủ trương di dời phân xưởng cán thép về các khu công nghiệp trên địa bàn nếu đáp ứng đủ điều kiện. Sở Xây dựng được giao nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch khu vực hai nhà máy phù hợp với định hướng phát triển quy hoạch chung cũng như quy hoạch phân khu, báo cáo với các cấp thẩm quyền quyết định.
"UBND TP Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng làm việc với các ngân hàng thương mại để xem xét khoanh nợ cho hai công ty cũng như tiếp tục tài trợ cho dự án di dời phân xưởng cán thép về khu công nghiệp mới", ông Minh nói.
UBND thành phố cũng giao Quỹ đầu tư phát triển cho hai công ty này tiếp cận với quỹ trong dự án di dời xưởng. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu để trình UBND thành phố hỗ trợ lãi suất cho hai công ty trong việc di dời hai phân xưởng cán thép.
Theo kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất... không tuân thủ quy định của pháp luật ở Đà Nẵng đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính.
Việc UBND TP Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất cho các hộ được bố trí đất tái định cư, tổ chức cá nhân được giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không đúng, gây thất thu ngân sách.
Quá trình khắc phục sai phạm, chính quyền Đà Nẵng cho biết nhiều trường hợp các nhà đầu tư được giảm 5%, 10% tiền sử dụng đất, nhưng đã chuyển nhượng quyền cho các tổ chức, cá nhân khác dẫn đến việc thu hồi gặp nhiều khó khăn (người nhận chuyển nhượng không thuộc đối tượng thu tiền giảm 5%, 10%).
Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, địa phương rà soát tất cả dự án bất động sản và phát hiện hàng trăm dự án có vướng mắc và sai phạm tương tự. Ông Thơ đã kiến nghị Chính phủ và Thanh tra cho ý kiến tháo gỡ những vướng mắc trên.